An toàn điện trong các khu tập thể cũ, cách nào?

09:53, 11/10/2023

Tình trạng mất an toàn điện trong sinh hoạt xảy ra khá phổ biến tại những khu chung cư, tập thể cũ trên địa bàn TP Hà Nội. Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội khuyến cáo cư dân sinh sống tại đây cần tuyệt đối tuân thủ những quy định về an toàn sử dụng điện.

"Mục sở thị" một số khu tập thể cũ tại Hà Nội, không khó để nhận ra những đường điện phía sau công tơ đã rất cũ kỹ. Có nhiều hộ dân còn tự đấu nối, lắp thêm thiết bị khiến mức tiêu thụ điện vượt công suất làm gia tăng nguy cơ quá tải, dễ dẫn đến cháy nổ.

Theo bà Nguyễn Thị Bình, một người dân tại khu tập thể B1 Thành Công, có những hộ dân vi phạm quy định về an toàn sử dụng điện dù đã được nhắc nhở nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến. Đợt cao điểm nắng nóng năm 2022, đã xảy ra một số vụ chập điện gây cháy, nhưng rất may đều được phát hiện và xử lý kịp thời, không có thiệt hại lớn về người và của.

 Hệ thống dây điện, cáp viễn thông lộn xộn tại một khu chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội.

Hay tại khu tập thể trên phố Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng, Hà Nội) được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, hiện nay có hơn 700 hộ dân đang sinh sống trong điều kiện cơ sở vật chất đã xuống cấp nghiêm trọng. Những đường điện chằng chịt, có nguy cơ xảy ra chập cháy cao là một trong những mối nguy treo lơ lửng trên đầu những người dân sống tại đây. Mặc dù hệ thống báo cháy đã cũ kỹ, thậm chí không còn hoạt động nhưng tại khu vực hành lang của khu tập thể này không hề thấy sự xuất hiện của phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình cứu hỏa, hộp cứu hỏa và vòi nước. Thậm chí, người dân còn "tận dụng" góc cầu thang, hành lang làm nơi... đốt vàng mã. 

Các tai nạn điện trong sinh hoạt hoặc sự cố chập, cháy, đặc biệt là tại các khu tập thể cũ thường do một số nguyên nhân chủ yếu như: dùng dây nối với nguồn điện bị rò rỉ điện ra bên ngoài; tự ý sửa chữa điện trên đường dây sau công tơ vô tình chạm vào dây dẫn điện bị tróc vỏ; sử dụng quá công suất của dây nguồn; sử dụng các thiết bị sinh nhiệt, sưởi ấm; không ngắt các thiết bị điện trong thời gian dài không sử dụng… 

Bên cạnh đó, Công an TP. Hà Nội cũng khuyến cáo tại các khu tập thể cũ, mỗi thành viên cần tự nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy (PCCC), tuân thủ quy định về PCCC tại nơi cư trú. Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Đoàn Việt Bắc - Đội trưởng Đội cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Thời gian để ứng cứu các nạn nhân trông một vụ hỏa hoạn chỉ được tính bằng giây, trong khi các khu tập thể cũ lại đa phần là loại hình "chuồng cọp", cộng thêm ở trên cao nên việc tiếp cận vừa khó khăn vừa tốn thời gian để cưa song sắt để đưa người bị nạn ra ngoài".

Chính vì vậy, theo ông Bắc, để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ tại các khu tập thể cũ, cần xử lý nghiêm những vi phạm về sử dụng điện và đưa yêu cầu đảm bảo an toàn sử dụng điện vào hợp đồng mua bán điện. Nếu trong quá trình sử dụng điện, hộ dân nào vi phạm, kiên quyết ngừng cấp điện. Địa phương và ngành Điện cũng cần tăng cường kiểm tra, chỉ báo, nhắc nhở hoặc xử lý theo đúng quy định của pháp luật khi thấy những dấu hiệu mất an toàn điện. 

Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội (EVNHANOI) khuyến cáo, các hộ gia đình nói chung, đặc biệt là cư dân sinh sống trong những khu tập thể cũ phải tuyệt đối tuân thủ những quy định về an toàn sử dụng điện như sau:

Lắp đặt thiết bị đóng cắt điện đúng cách: Lắp cầu dao hay aptomat ở đầu dây cấp điện chính và các nhánh rẽ ở các tầng nhà. Ngoài ra, cũng cần lắp cầu chì ở trước các ổ cắm điện để ngắt dòng điện khi có chạm chập, hoặc quá tải, ngăn ngừa phát hoả do điện. Lựa chọn các thiết bị đóng cắt bảo vệ phù hợp với công suất sử dụng, có nắp đậy che kín phần mang điện.

Vị trí lắp đặt cầu dao, cầu chì, công tắc, ổ điện: Phải là nơi cao ráo, đảm bảo thuận tiện khi sử dụng. Đối với những hộ gia đình có trẻ nhỏ hoặc nằm trong vùng có thể bị ngập nước cần lưu ý đặt cao hơn nền và sàn nhà ít nhất 1,4 mét.

Tránh sử dụng thiết bị điện khi đang sạc: Không sử dụng các thiết bị như điện thoại, túi sưởi khi đang sạc. Sạc xong cần rút phích cắm để phòng ngừa các rủi ro.

Vị trí lắp đặt thiết bị điện trong gia đình: Tuyệt đối không lắp đặt các thiết bị điện ở những nơi ẩm ướt, ngập nước. Không để các thiết bị điện phát nhiệt ở gần đồ vật dễ cháy nổ. Cần tiến hành nối đất vỏ kim loại cho các thiết bị dùng điện trong nhà như máy lọc nước, tủ lạnh, bếp điện, máy giặt,… để phòng tránh các trường hợp chập cháy điện.

Lắp đặt dây điện đúng cách: Dây điện trong nhà phải được đặt trong ống cách điện và dùng loại dây có vỏ bọc cách điện, có tiết diện dây đủ lớn để dây điện không bị quá tải.

Kiểm tra hệ thống đường điện thường xuyên: Trong quá trình sử dụng, cần phải lưu ý đến quy trình an toàn điện. Thường xuyên kiểm tra đường dây, các thiết bị đóng cắt, bảo vệ điện. Bên cạnh đó, tốt nhất hãy ngắt nguồn điện các thiết bị khi không sử dụng để đề phòng cháy nổ, chập điện. Trong trường hợp dây dẫn điện bị đứt, tróc cách điện hay các thiết bị, đồ dùng điện bị hư hỏng, cần phải thay thế hoặc sửa chữa mới được tiếp tục sử dụng.

Bảo hành thiết bị điện định kỳ: Cần thường xuyên kiểm tra, sửa thay thế ngay nếu thiết bị hư hỏng để không dẫn đến những nguy hiểm cháy nổ, hở điện gây điện giật chết người.


Đình Ngà

Share