Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê: Tấm gương tiêu biểu ngành Ðiện (kỳ 3)

10:34, 25/02/2015

Cả cuộc đời ông Thái Phụng Nê gắn bó với các công trình thủy điện. Ông luôn tự nhận thấy mình không phù hợp với công tác quản lý cao cấp nên đã 2 lần viết thư từ chối gửi lên Bộ Chính trị.

Cốt cách nhà khoa học chân chính

Trước khi gặp ông Thái Phụng Nê, tôi chưa hình dung được một cựu Bộ trưởng, từng đảm đương các nhiệm vụ trọng yếu như: Bí thư tỉnh ủy, Phái viên của Thủ tướng, mà lại có tác phong giản dị, gần gũi và khiêm nhường đến thế. Những câu chuyện ông chắt lọc từ ký ức và kể cho tôi nghe chưa bao giờ thể hiện vai trò cá nhân, ông lúc nào cũng nhắc đi nhắc lại điều tâm đắc nhất: Nói về một con người cần hết sức thận trọng! Đối với ông, bao nhiêu thành công đều là trí tuệ, công sức của anh em, ông chỉ tham gia đóng góp một phần rất nhỏ. Tình cờ tôi được biết, nhiều đồng nghiệp truyền hình không ít lần đã đề nghị làm phim về cuộc đời, sự nghiệp của ông, nhưng ông đều nhẹ nhàng từ chối “còn nhiều người khác đóng góp hơn”. Con người ông là như thế, luôn giản dị, khiêm nhường. Và điều đó làm cho bất kỳ ai tiếp xúc với ông đều kính  trọng, quý mến.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam (bên trái) trao Huân hương Bắc đẩu Bội tinh của Cộng hòa Pháp cho tiến sỹ Thái Phụng Nê (năm 2013). Ảnh: Hoàng Tuyết

14 năm cống hiến biết bao trí tuệ, công sức cho Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, nhưng trong suy nghĩ của ông, đây chỉ là thời gian ông học hỏi, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thực tế. Ông chia sẻ, trong giai đoạn khó khăn đó, cơm không đủ no, áo không đủ ấm, nhưng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, ông và các đồng nghiệp đã vừa làm vừa học tập, rèn luyện. Qua công trình này, bản thân ông và đội ngũ cán bộ, công nhân đều đã trưởng thành.

Cả cuộc đời gắn bó với các công trình thủy điện, khi Nhà nước cần, ông cũng tham gia công tác quản lý, nhưng ông luôn tâm niệm đó là tinh thần phục vụ, là trách nhiệm, tuyệt đối không vì mục đích tiến thân hay vun vén tư lợi cá nhân. Phẩm chất của một trí thức, một nhà khoa học chân chính dù ở hoàn cảnh nào cũng luôn tỏa sáng. Ngay cả khi chuẩn bị nghỉ chế độ theo quy định, Trung ương giao nhiệm vụ làm Phái viên của Thủ tướng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về các dự án thủy điện Sơn La - Lai Châu, Phó chủ tịch Hội đồng Thẩm định nhà nước về Dự án Thủy điện Sơn La, ông cũng chỉ suy nghĩ đúng một điều: Nhiệm vụ ấy phù hợp với chuyên môn của ông, còn sức khỏe thì ông còn cống hiến.

Với những công việc mà ông Nê cho là không phù hợp với chuyên môn của mình, thì dù “chức trọng quyền cao” ông cũng không màng. Ở ông chỉ có lòng nhiệt tình với công việc, luôn muốn phát huy hết năng lực bản thân, phục vụ đất nước một cách tốt nhất.

Hai lần viết thư từ chối làm Bộ trưởng

Tháng 10/1992, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Năng lượng. Năm 1993, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Vốn là một người khiêm tốn, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trước, không vun vén, tư lợi cá nhân, nên ông thẳng thắn tự nhận mình “dốt đặc”, không nắm vững công tác quản lý cấp cao. Ông Nê đã hai lần viết thư từ chối gửi lên Bộ Chính trị, đề nghị Bộ Chính trị sắp xếp người khác vào cương vị này. Nhưng tư chất và bản lĩnh lãnh đạo của ông là điều thực sự cần cho công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. 4 năm làm Bộ trưởng Bộ Năng lượng, ông đã có nhiều quyết sách đúng góp phần thúc đẩy ngành Năng lượng phát triển và đào tạo đội ngũ CBCNV ngành Năng lượng giàu nhiệt huyết, tận tâm với công việc.

Ông Vũ Hiền (nguyên Thứ trưởng Bộ Điện lực) – một người gắn bó thân thiết với ông Nê cho biết, lúc bấy giờ câu chuyện ông Nê viết thư từ chối đảm nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Năng lượng ai cũng biết và càng nể phục: “Ông Đỗ Mười - Chủ tịch HĐBT khi đó tin tưởng, tín nhiệm ông Nê tuyệt đối. Ông Nê thì nhiều người biết, tài năng tuyệt vời, vô cùng tận tụy, làm việc gì cũng rất chính xác, khoa học, nhưng ông ấy khiêm tốn lắm, làm không nói đâu, nhiều thành tích của ông ấy người ta còn không biết hết”.

Tháng 10/1995, khi hợp nhất 3 bộ: Công nghiệp Nặng, Công nghiệp Nhẹ và Năng lượng thành Bộ Công nghiệp, từ vị trí Bộ trưởng Bộ Năng lượng, ông Nê nhận nhiệm vụ chuyển sang làm Chủ tịch Hội đồng quản lý Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, tiền thân của Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngày nay. 3 năm sau ông tiếp tục được điều chuyển sang làm Thứ trưởng Bộ Công nghiệp. Được biết, trước khi quyết định, cấp trên cũng đã chủ động gặp ông để hỏi ý kiến của ông về việc điều động này. Nhưng ông đều vui vẻ nhận nhiệm vụ. Đối với ông, không có khái niệm thăng cấp hay xuống cấp, chỉ có tinh thần phục vụ đất nước là tối thượng.

Ông Grek Alek Grigorievich – Kỹ sư thủy công người Nga, đã từng  làm việc cùng ông Thái Phụng Nê tại công trình Thủy điện Hòa Bình, trong nhật ký của mình có đoạn : “Mặc dù giữ chức vụ cao, ông Nê rất giản dị, dễ gần đối với các chuyên gia và công nhân. Ông ấy cùng một lúc có thể vào vai nhà sản xuất, đồng thời, là Tiến sỹ khoa học. Đây thực sự là một trong những người tài năng nhất của ngành Thủy công.

Ông Nê là người rất kiệm lời, luôn đi ngay vào bản chất vấn đề, biết lắng nghe ý kiến của người khác. Nếu có điều gì đó chưa đồng tình, ông vẫn bình tĩnh, nhưng sẽ khuyên người phản biện nên hướng đến những nhận xét có tính xây dựng, cuối cùng ông sẽ kết luận và đưa ra giải pháp hợp lý. Tập thể hàng nghìn cán bộ, công nhân xây dựng đã may mắn có được một chuyên gia thủy công và người lãnh đạo giỏi như vậy.

(Còn tiếp)


Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN

Share