Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển điện lực kiến nghị một số giải pháp cấp bách để đảm bảo cung cấp điện trong vài năm tới đây

22:45, 13/02/2020

Vừa qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển điện lực (Ban Chỉ đạo) đã có văn bản số 02/BCĐQGĐL-VP ngày 31 tháng 01 năm 2020 báo cáo cập nhật về tình hình thực hiện các dự án trong quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia (quy hoạch điện VII) điều chỉnh.

Báo cáo đã nêu thực trạng phát triển các dự án nguồn điện, lưới điện nằm trong quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Với 62 dự án nguồn điện lớn có công suất trên 200MW thì chỉ 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ so với tiến độ nêu trong quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Với các công trình lưới điện, đã khởi công 196 công trình và đã hoàn thành đóng điện 192 công trình lưới điện 110-500 kV.

Báo cáo cũng nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong trong thực hiện các dự án đầu tư, ngoài những bất cập về thủ tục đầu tư thì điển hình nhất vẫn là những khó khăn về giải phóng mặt bằng...

Công tác đền bù GPMB các dự án điện vẫn còn gặp nhiều khó khăn và có xu hướng phức tạp ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình, đặc biệt là hiện nay xuất hiện khó khăn, vướng mắc trong GPMB liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng do thủ tục rất phức tạp và mất nhiều thời gian.

Một số công trình lưới điện quan trọng chưa thể đưa vào vận hành hoặc chưa thể khởi công năm 2019 do vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhất là tại các thành phố lớn; vướng mắc liên quan chuyển đổi đất rừng, thủ tục đầu tư qua nhiều bước thời gian kéo dài.

Trong đó, một số công trình vướng mắc GPMB kéo dài như ĐD 220kV đấu nối sau các trạm 500kV Phố Nối, Việt Trì, Lưu Xá; vướng mắc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng như các dự án TBA 220kV Nghĩa Lộ và ĐD 220kV Nghĩa Lộ - 500kV Việt Trì, ĐD 220kV Huội Quảng - Nghĩa Lộ, Nha Trang – Tháp Chàm,... 

Đặc biệt một số công trình trọng điểm đồng bộ nguồn điện BOT bị chậm tiến độ (ĐD 500kV đấu nối các NMNĐ Nghi Sơn 2, Vân Phong 1, Hải Dương). Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai ở một số địa phương còn nhiều hạn chế, đặc biệt là đối với khu vực vùng sâu vùng xa, làm ảnh hưởng đến công tác xác định nguồn gốc đất, gây tranh chấp khiếu kiện kéo dài; Đơn giá bồi thường còn bất cập, đặc biệt đối với khu vực giáp ranh giữa các tỉnh. Không có quy định đối với diện tích đất mượn tạm thi công, dẫn tới người dân có những đòi hỏi chi phí đền bù vô lý.

Để đáp ứng mục tiêu đảm bảo cung ứng điện trong một vài năm tới đây, Ban Chỉ đạo báo cáo đặt mục tiêu đến năm 2025 hệ thống điện toàn quốc phải có gần 14.500MWp điện mặt trời và khoảng 6.000MW điện gió. Trong nhiều phương án mà Ban Chỉ đạo đề xuất, đáng chú ý là giải pháp xem xét khả năng thuê tàu, xà lan/nhà máy điện nổi để cung cấp điện trong nếu các dự án nhiệt điện phía Nam vẫn tiếp tục chậm tiến độ như vừa qua. Với thời gian giao hàng ngắn, theo hợp đồng từ 3 đến 10 năm và dải công suất dao động trong khoảng 30MW đến 620MW. Đây là giải pháp ngắn hạn và trung hạn tương đối hiệu quả cho các quốc gia có nhu cấp điện khẩn cấp.

Ngoài ra, nhiều giải pháp cấp bách khác đã được Ban Chỉ đạo tiếp tục đề xuất và đôn đốc như: tăng cường chỉ đạo các chủ đầu tư các công trình nguồn điện/lưới điện vào vận hành năm 2019 nhằm tăng cường khả năng cấp điện; tăng cường khả năng giải tỏa công suất như: đưa nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 MR vào vận hành trong Quý 1 năm 2020; Đôn đốc các chủ đầu tư xử lý những nội dung thuộc thẩm quyền và báo cáo Chính phủ chỉ đạo xử lý đối với các dự án Sông Hậu I, Thái Bình II, Long Phú 1; Chỉ đạo các chủ đầu tư đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện lớn trong giai đoạn 2021-2025 gồm: NĐ BOT Duyên Hải 2 (2022), NĐ BOT Vân Phong 1 (2023); NĐ Sông Hậu 1 (2021), NĐ Thái Bình 2 (2022), NĐ Long Phú 1 (2023), NĐ Nhơn Trạch 3&4 (2023-2024),... Tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án điện mặt trời, điện gió đã có trong quy hoạch vào vận hành đúng tiến độ. Khẩn trương xây dựng lưới điện giải tỏa công suất các nguồn điện này. Xây dựng chính sách đồng bộ nhằm khuyến khích các nguồn năng lượng tái tạo với cơ cấu và tỷ lệ hợp lý, nhất là các dự án điện mặt trời áp mái. Khẩn trương đầu tư, xây dựng và hoàn thành các các đường dây và trạm biến áp 500/220/110kV giải tỏa công suất các trung tâm điện lực, các nguồn năng lượng tái tạo tập trung ở khu vực Nam Trung Bộ, các nguồn thủy điện nhỏ ở khu vực miền núi phía Bắc. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình Quốc gia về Quản lý nhu cầu phụ tải điện và Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ...

Bên cạnh việc đưa ra một loạt các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện, báo cáo cũng gửi tới Chính phủ và một số bộ ngành, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, UBND các tỉnh, thành phố một loạt kiến nghị cụ thể như: Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ ngành liên quan và các địa phương tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng liên quan đến các dự án điện. Bên cạnh đó kiến nghị Thủ tướng sớm phê duyệt cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam thay thế quyết định 11/2017/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2017.

Đối với phần kiến nghị gửi Bộ Công Thương, báo cáo cũng đề nghị Bộ xem xét phân cấp cho các Tập đoàn EVN, PVN, TKV chủ động thực kiện các bước thiết kế của một số công trình hoặc hạng mục dự án trong phạm vi thẩm quyền để đấy nhanh tiến độ các dự án. Đối với UBND các tỉnh, thành phố, BCĐ kiến nghị giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án điện nhất là các đường dây, trạm đấu nối đồng bộ với phát điện nhà máy, các dự án điện cấp bách, các dự án giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo. Chỉ đạo các địa phương trong tỉnh/thành phố phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư xử lý dứt điểm và quyết liệt các vướng mắc về giải phóng mặt bằng; có phương án hỗ trợ bảo vệ thi công hoặc cưỡng chế trong trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật.


BBT

Share