Nhiều quốc gia trong khu vực châu Á, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, đã thực hiện các chính sách và chiến lược đa dạng để chuyển từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo và sạch hơn, từ đó đảm bảo an ninh năng lượng và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Trung Quốc đã trải qua một quá trình phát triển kinh tế ấn tượng trong vòng 40 năm qua. Từ một nền kinh tế nông nghiệp, họ đã chuyển sang một nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất hàng hóa.
Khu vực nhà dân với các tấm pin mặt trời gắn trên mái ở vùng Ninh Hạ, phía Tây Bắc Trung Quốc. Ảnh: AFP
|
Tầm quan trọng của việc xây dựng chính sách
Từ một nền kinh tế đang phát triển, Trung Quốc được đưa vào nhóm nền kinh tế đang chuyển tiếp và trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh này gắn với nhu cầu điện năng tại Trung Quốc tăng gấp nhiều lần trong vài thập kỷ qua.
Một trong những lý do khiến quốc gia tỉ dân thành công trong lĩnh vực dịch chuyển năng lượng là họ đã xây dựng và đưa ra những chính sách lớn trong trung và dài hạn. Trong đó, chính sách năng lượng mới được coi như là một trong những ưu tiên quan trọng để bảo đảm sự phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững. Thông qua luật tiết kiệm năng lượng, nước này đã xây dựng 46 tiêu chuẩn tương đương về tiết kiệm năng lượng.
Trung Quốc cũng đã đóng cửa một số nhà máy nhiệt điện nhỏ và nhà máy sản xuất thép, xi măng với cơ sở sản xuất lạc hậu trong những năm 2008, 2009. Từ đó, thúc đẩy và phổ biến các công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng hiệu quả cao. Song song với quá trình này, Trung Quốc đã ban hành hàng loạt văn bản, chính sách hỗ trợ tài chính cho hoạt động tiết kiệm năng lượng...
Một điều không thể không nhắc tới là Trung Quốc rất chú trọng phát triển các nguồn năng lượng mới. Chính phủ nước này cho rằng, chiến lược năng lượng của Trung Quốc trong tương lai cần chuyển hướng đầu tư mạnh mẽ sang các dạng năng lượng tái tạo và năng lượng sạch (gồm thủy điện, năng lượng gió, điện mặt trời, năng lượng sinh học). Định hướng đến năm 2050, năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn cung cấp chính, chiếm 35-40% tổng năng lượng toàn quốc.
Hiện nay, Trung Quốc được đánh giá là nhà sản xuất năng lượng gió hàng đầu trên thế giới, bên cạnh khai thác gió trên đất liền, Trung Quốc cũng đã tập trung hỗ trợ triển khai các dự án phát triển năng lượng gió ngoài khơi. Nhiên liệu sinh học cũng là nguồn năng lượng rất được quan tâm.
Để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy chế biến nhiên liệu sinh học, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu nông sản như sắn và mở rộng các vùng nguyên liệu mía, ngô… nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất nhiên liệu sinh học cồn ethanol và dầu diesel sinh học trong nước. Cuối cùng, các lĩnh vực sản xuất năng lượng nguyên tử, gió, mặt trời cũng được hưởng nhiều chính sách thuận lợi. Trung Quốc vẫn tiếp tục củng cố vị thế để trở thành cường quốc năng lượng sạch của thế giới.
Đầu tư vào năng lượng tái tạo
Đi về phía trung tâm của châu Á, chúng ta có thể nhìn vào Ấn Độ và cách quốc gia này dịch chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
Nước này đã xây dựng các chính sách thúc đẩy việc tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo và mở rộng các nhà máy năng lượng mặt trời và nhà máy điện gió trên quy mô lớn. Cùng với đó, chiến lược cải thiện an ninh năng lượng được ưu tiên hàng đầu, đa dạng hóa các nguồn cung cấp và tăng dự trữ dầu chiến lược cho quốc gia.
Ấn Độ đang hướng đầu tư vào các mỏ dầu ở Trung Đông, châu Phi và các quốc gia lân cận. Quốc gia trung Á này cũng đã tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng mạng lưới điện liên bang và xuyên quốc gia, tập trung tìm ra các giải pháp kỹ thuật, quản lý và kinh tế để hiện thực hóa việc truyền tải điện liên bang. Từ năm 2017, Ấn Độ đã bắt đầu trở thành nước xuất khẩu năng lượng với các đường dây kết nối xuyên quốc gia tới Nepal, Bangladesh và Myanmar.
Một bước đi đáng chú ý của Ấn Độ là họ đã tăng cường sử dụng các nguồn khí đốt và năng lượng tái tạo, thay vì sử dụng điện từ các nhà máy điện than.
Link gốc
Theo laodong.vn
Share