Cơ hội cho phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam

14:26, 12/06/2017

Với thế mạnh về công nghệ, quy mô và đa dạng ngành nghề hoạt động, Tập đoàn General Electric (GE) đã cho ra mắt danh mục sản phẩm và hệ sinh thái các giải pháp năng lượng tại Việt Nam.

Nhu cầu năng lượng rất lớn

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016 - 2030, để đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm, sản lượng điện thương phẩm có thể đạt khoảng 245 tỷ kWh vào năm 2020 và gần 600 tỷ kWh năm 2030. 

Giải pháp hiệu quả nhất về năng lượng của Việt Nam là phải có một cơ cấu nguồn năng lượng hợp lý, với sự tham gia của nhiều nguồn. Khi nguồn thủy điện gần như đã khai thác hết, Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận phải tạm dừng, nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) sẽ được ưu tiên phát triển. Tuy nhiên, từ nay đến năm 2030, khi tỷ trọng NLTT trong cơ cấu nguồn năng lượng vẫn còn khá khiêm tốn và chưa ổn định, nhiệt điện than và khí vẫn được coi là nguồn điện quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. 

Theo ông Massimo Gallizioli, Giám đốc kinh doanh, Steam Power Systems, khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn GE, điều này cũng hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới. Hiện nay, nhiệt điện than vẫn chiếm khoảng 40% trong cơ cấu nguồn năng lượng của thế giới. Dự kiến thời gian tới, tỷ trọng nhiệt điện than có thể giảm, nhưng vẫn chiếm khoảng 30% trong cơ cấu nguồn năng lượng. 

Tuy nhiên, dù phát triển nguồn năng lượng nào cũng đòi hỏi vốn đầu tư. Rất nhiều quốc gia trên thế giới (cả Chính phủ và khu vực tư nhân) đều gặp khó khăn khi huy động vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, bởi đây là lĩnh vực đòi hỏi vốn  lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài.

Bên cạnh đó, để xây dựng được cơ cấu nguồn năng lượng hợp lý, cần tính toán kỹ chi phí đầu tư và chi phí cho hoạt động của hệ thống điện, tính ổn định của hệ thống điện Việt Nam. Nếu không đảm bảo được an ninh, an toàn và độ ổn định của hệ thống điện thì không thể có tốc độ tăng trưởng sản lượng điện đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đây là bài toán mà rất nhiều quốc gia trên thế giới phải đối mặt.

GE đã cung cấp thiết bị điện gió cho nhiều quốc gia trên thế giới

Tìm giải pháp hợp lý

Ngành Công nghiệp năng lượng Việt Nam đang có sự biến đổi mạnh mẽ. Việc điều chỉnh ngành công nghiệp này đòi hỏi phải có sự hiểu biết một cách toàn diện về hệ sinh thái năng lượng. “Vì vậy, GE mong muốn mang đến danh mục các giải pháp cho hệ sinh thái năng lượng, kết hợp hệ thống liên kết kỹ thuật công nghiệp – kỹ thuật số với chương trình năng lượng quốc gia nhằm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện ổn định, bền vững với chi phí hợp lý”, ông Wouter Van Wersch, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc GE khu vực ASEAN khẳng định.

Theo tính toán của GE, nếu Việt Nam đầu tư vào một nhà máy điện khí với công nghệ hiện đại nhất, hiệu suất sẽ tăng lên 5%, tiết kiệm 8,4 tỉ đô la trong vòng 25 năm. Với nhà máy điện than, khi đầu tư các công nghệ mới nhất, hiệu suất sẽ tăng lên 3%, tính sẵn có tăng lên tới 8%, tiết kiệm 5 tỉ đô la. Trong trường hợp khách hàng lựa chọn phương án nâng cấp thay vì đầu tư mới các nhà máy này, hiệu suất sẽ được tăng lên 3%, tính sẵn có tăng lên 8% và tiết kiệm 3 tỉ đô la.

Ngoài ra, việc cải tạo hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối cũng cần được quan tâm đúng mực, góp phần hạn chế khả năng quá tải trên lưới điện là 2% và giảm thời gian mất điện là 1 giờ, tiết kiệm khoảng 2,4 tỷ USD.

Một trong những giải pháp quan trọng khác được GE đề cập là sử dụng công nghệ số. “Nếu Việt Nam kết hợp công nghệ số vào những công nghệ truyền thống hiện nay và áp dụng cho các nhà máy điện than hoặc điện khí, việc này sẽ giúp tiết kiệm thêm khoảng 1,4 tỉ cho Việt Nam. Đối với hệ thống lưới điện, khi các giải pháp số hóa được tích hợp, nguy cơ quá tải được giảm đi 30%.

Về khía cạnh phát triển năng lượng sạch gắn liền với cam kết về giảm phát thải ra môi trường, việc đầu tư vào những công nghệ mới nhất sẽ góp phần giảm được 2 triệu tấn lượng phát thải khí CO2 đối với điện khí và 12 triệu tấn đối với điện than; trong khi đó, việc nâng cấp các nhà máy này cũng góp phần giảm tới 5,5 triệu tấn phát thải. Khi hệ thống truyền tải được nâng cấp, 2 triệu tấn phát thải cũng sẽ được giảm đi, nếu tích hợp các giải pháp số hóa, con số này còn trở nên đáng kể hơn nữa. Tất cả những điều này sẽ giúp Việt Nam đạt được 48% mục tiêu về giảm phát thải được đưa ra trong COP21.

Để có được cơ cấu năng lượng cân bằng, năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng đang là xu thế tất yếu trên thế giới. Ước tính, trong 10 năm tới, năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 56% tổng công suất năng lượng toàn cầu và góp phần giảm phát thải xuống còn dưới 9 Gt vào năm 2050. 

Theo ông Phạm Hồng Sơn, Tổng Giám đốc GE Việt Nam, những con số này vẫn chưa thể hiện được hết tiềm năng tối ưu hóa toàn bộ hệ sinh thái năng lượng Việt Nam. Khi được tối ưu hóa, lợi ích mà Việt Nam có được sẽ còn lớn hơn rất nhiều so với con số 25 tỷ USD. “Nếu Việt Nam đầu tư mới hoặc nâng cấp, điều chỉnh lại các nhà máy sẵn có thì sẽ góp phần nâng cao hiệu suất phát điện và giảm giá thành sản xuất điện, giảm lượng phát thải khí nhà kính và tăng tính ổn định của hệ thống điện”, ông Sơn khẳng định.

Trong bối cảnh Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, tài chính hỗ trợ việc phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng cũng là vấn đề cần được quan tâm. “Khi Việt Nam tiến hành phát triển hạ tầng năng lượng trong vòng 10 năm tới, chúng tôi sẽ sẵn sàng hỗ trợ các phương án tài chính bao gồm, tìm nguồn vốn giai đoạn đầu và tiếp cận vốn của bên thứ ba từ các cơ quan tín dụng xuất khẩu, các tổ chức tài trợ phát triển và các tổ chức khác”, ông Sơn cho biết thêm. 

Hệ sinh thái các giải pháp năng lượng của GE: là tập hợp các giải pháp năng lượng của GE trên quy mô toàn cầu, từ sản xuất điện, truyền tải và phân phối… đến các giải pháp kỹ thuật số, công nghệ lưu trữ và hỗ trợ tài chính cho mục tiêu phát triển năng lượng của các quốc gia, trong đó Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà GE giới thiệu khái niệm này.

Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập

Share