Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu trình bày chuyên đề “Một số nội dung lớn trong Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam" - Ảnh: ĐVCC
|
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe trình bày nội dung cốt lõi và dẫn chứng sinh động về 4 chuyên đề quan trọng của Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII. Cụ thể, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, trình bày chuyên đề 1: “Một số nội dung lớn trong Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam”; ông Huỳnh Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, trình bày chuyên đề 2: “Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong công tác xây dựng tổ chức Công đoàn nhiệm kỳ 2023-2028; một số nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam”; ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, trình bày chuyên đề 3: “Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong công tác tài chính công đoàn nhiệm kỳ 2023-2028”; bà Thái Thu Xương - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, trình bày chuyên đề 4: “Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong công tác kiểm tra, giám sát và công tác nữ công công đoàn nhiệm kỳ 2023-2028”.
Điểm cầu trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (11 Cửa Bắc, Hà Nội)
|
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đặt ra mục tiêu đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động gia nhập công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt là điều cần được quan tâm. Đồng thời, đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, ý thức pháp luật của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đối với các chỉ tiêu hàng năm, Nghị quyết đặt ra chỉ tiêu đến hết nhiệm kỳ cả nước có 15 triệu đoàn viên công đoàn, thành lập tổ chức cơ sở ở 100% doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên; ít nhất 83% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được công đoàn thương lượng, ký kết được thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật; phấn đấu 90% trở lên số vụ việc về lao động khởi kiện tại tòa án được công đoàn hỗ trợ, tham gia tố tụng bảo vệ khi đoàn viên có yêu cầu.
Cán bộ công đoàn chủ chốt tại các công đoàn trực thuộc Công đoàn Điện lực Việt Nam tham dự hội nghị thông qua các điểm cầu chuyển tiếp. |
Nghị quyết cũng đặt ra 3 khâu đột phá: Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Tham dự tại điểm cầu trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Hà Nội) có gần 30 đại biểu là Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên UBKT Công đoàn Điện lực Việt Nam. Ngoài ra, tại 15 điểm cầu chuyển tiếp, hơn 240 cán bộ công đoàn chủ chốt các cấp công đoàn trực thuộc Công đoàn Điện lực Việt Nam đã tham dự hội nghị với tinh thần nghiêm túc, tập trung.
Việc quán triệt Nghị quyết nhằm giúp cán bộ công đoàn các cấp nắm vững nội dung cơ bản, cốt lõi, từ đó nêu cao tinh thần đổi mới, sáng tạo, quyết tâm vượt mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023- 2028.
T.Huyền
Share