Ông Đoàn Văn Bình - Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng thuộc Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam:
Ngành năng lượng phải được gắn liền với nền kinh tế đất nước
Hiện nay, ngành Năng lượng đang gặp nhiều sức ép để cung cấp đầy đủ cho nền kinh tế. Theo Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050, năng lượng sơ cấp năm 2020 đạt khoảng 100 - 110 triệu TOE, đến năm 2025 khoảng 110 - 120 triệu TOE và đến năm 2050 khoảng 310 - 320 triệu TOE.
Vấn đề đặt ra là “Tại sao nền kinh tế không lựa chọn con đường phát triển tốt nhất, trong giới hạn nguồn cung năng lượng”. Đặc biệt trong bối cảnh, nguồn thủy điện đã gần như khai thác hết, điện hạt nhân đã tạm dừng triển khai dự án; các nguồn năng lượng gió, mặt trời, sinh khối… chưa thể đáp ứng yêu cầu trong thời gian tới.
Việc giải bài toán giá năng lượng hiện nay lại đi kèm với các điều kiện về thu nhập của người dân, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp… Trên thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg ngày 15/4/2011 về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi về giá điện cho người nghèo, biểu giá bán lẻ và bán buôn điện cho từng đối tượng sử dụng. Tất nhiên, sử dụng điện nhiều phải trả tiền nhiều. Vấn đề quan trọng là người dân cần tạo được thói quen sử dụng điện hiệu quả, đối với lĩnh vực sản xuất cần phải thay đổi tư duy, mô hình sản xuất.
Việt Nam cần phải phát triển ngành Năng lượng gắn liền với phát triển nền kinh tế đất nước, để các ngành kinh tế “nhận thức” được giới hạn của ngành Năng lượng, từ đó, xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển phù hợp. Khi toàn bộ nền kinh tế không còn “đè nặng” sức ép lên ngành Năng lượng, mới có khả năng đảm bảo được an ninh năng lượng quốc gia.
|