Để không biến tủ lạnh thành bom

09:51, 17/07/2018

Tiến sĩ Trần Văn Thịnh, nguyên trưởng Bộ môn Thiết bị điện, điện tử, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, tủ lạnh cháy nổ ít khi xảy ra, nhưng cũng cần lưu ý một số điều sau đây để tủ lạnh không trở thành “bom” trong nhà.

Một số nguyên nhân gây nổ  tủ lạnh 

- Tủ lạnh quá cũ: Khi vỏ tủ bị han gỉ, nếu đặt ở nơi ẩm thấp, lớp bảo ôn có thể bị ảnh hưởng hoặc bị chuột cắn, phá. Nếu tủ lạnh bị đọng hơi nước, khi bị mất lớp bảo ôn thì nước sẽ rò vào mạch nguồn gây nên chập, cháy. 

- Do sửa chữa, hàn xì.

- Thay gas nhiều lần nên có cặn bẩn, gây tắc ống mao nối từ giàn ngưng đến giàn bay hơi, giảm khả năng làm mát, dẫn đến áp suất hệ thống quá cao, dễ cháy nổ. Nếu không được nạp gas R-134A (không gây cháy nổ) mà lại được nạp loại gas R-600A (giống gas nấu ăn) thì khả năng gây cháy càng lớn. 

- Chập điện: Do máy nén là loại kín nên các cuộn dây điện có thể bị chập, chạm gây ra tia lửa điện và làm ga bắt lửa. Có trường hợp do điện áp tăng đột ngột, máy nén liên tục đưa hơi gas vào dàn nóng, làm tăng áp suất của ga dẫn tới cháy nổ. Trong tủ lạnh có nhiều mút  giữ nhiệt,  có thể bắt cháy khi bị chập điện. 

(Ảnh minh họa)

Các dấu hiệu cho thấy tủ lạnh có nguy cơ cháy nổ

- Máy nén chạy liên tục không ngắt.

- Có tiếng lạ phát ra từ máy nén, máy nén toả hơi rất nóng.

- Đặt tay lên hai bên sườn tủ thấy nóng bất thường.

- Phin lọc phình to và có hiện tượng đọng sương…

- Ngửi thấy mùi gas từ tủ lạnh.

Nếu thấy một trong những hiện tượng trên, cần ngắt nguồn điện tủ lạnh và gọi thợ đến kiểm tra, sửa chữa, đề phòng xảy ra cháy nổ. 

Các giải pháp phòng tránh: 

- Nếu tủ lạnh đã quá cũ, không nên đụng chạm vào các thiết bị bên trong hay tự ý mang đi nạp gas. Chỉ lau tủ và mời thợ về vệ sinh giàn ngưng nếu có bụi bám nhiều. 

- Gọi thợ sửa chữa khi: Đá không đông hoặc đá đóng tràn lan ra ngoài khay đá hay trong tủ không có hơi lạnh. Tránh gọi thợ không uy tín về nạp gas mới hoặc hàn xì các bộ phận hỏng hóc vì quy trình không đúng có thể gây cặn trong đường ống, dẫn tới tắc ống, gây nổ.

- Kê tủ lạnh ở nơi thoáng mát, cách xa tường tối thiểu 15 cm. Để tủ lạnh tránh xa các nguồn nhiệt (bếp, bình gas, hoá chất, lò vi sóng, lò nướng, máy phát sóng, dụng cụ dẫn điện…), thiết bị điện và ánh sáng chiếu trực tiếp. 

- Hạn chế đặt các đồ dùng lên trên nóc tủ lạnh.

- Hạn chế để chai thủy tinh chứa bia rượu, vật dụng bằng kim loại nắp kín, đồ uống có ga trong ngăn đá vì chúng rất dễ làm tủ phát nổ. Nên dùng chai có chất liệu nhựa tổng hợp thân thiện với môi trường để an toàn cho mọi người.
 


Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện

Share