Điện chiếu sáng đường làng, ngõ xóm ở vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên
|
Khi buôn làng có điện
Cách đây hơn 1 năm, điện vẫn là "ước mơ xa vời" của thầy giáo Phan Văn Đằng, người đã có gần 20 năm "cắm bản" tại thôn 4 (xã Phước Cát 2) cũng như người dân nơi đây.
Cách trung tâm xã hơn 20 km, hầu hết các thầy cô giáo lên đây dạy học đều phải ở lại đến cuối tuần mới về thăm nhà. Mỗi khi bóng đêm bao phủ đại ngàn, chỉ có ánh sáng leo lét từ ngọn đèn dầu để các thầy cô soạn giáo án, hay duy trì những lớp xóa mù chữ buổi tối.
Hiện giờ, cả 3 phòng học của Phân hiệu Trường Tiểu học Phước Cát 2 đã có bóng điện chiếu sáng và còn lắp cả quạt gió.
Thầy Phan Văn Đằng chia sẻ: “Điện đã thổi một luồng sinh khí mới, sức sống mới cho bà con nơi đây. Với riêng 18 em học sinh theo học tại Phân hiệu, chất lượng học tập đã cải thiện rõ rệt, các em thích thú khi đến lớp, cả thày và trò đều không phải nghỉ học kể cả khi mưa bão, tối trời”.
Theo ông Điểu K’Băm - Trưởng Thôn 4, từ khi có điện, dân bản đã tự mua sắm máy bơm để chủ động nguồn nước tưới. Do đó, ngoài cây trồng chủ lực là điều, giờ đây nhiều hộ đã trồng thêm cà phê, sầu riêng và mở rộng sản xuất. Có điện, bà con cũng được xem tivi, tiếp cận nhiều thông tin hữu ích để phát triển kinh tế.
Mở ra tương lai
Đầu năm 2018, Công ty Điện lực Lâm Đồng khởi công công trình cấp điện cho 7 thôn chưa có điện trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí đầu tư hơn 28 tỷ đồng. Trong đó, có thôn 3 và thôn 4 của xã Phước Cát 2 - vùng lõi của Vườn Quốc gia Cát Tiên.
Sau hơn 30 năm, việc đưa điện lưới quốc gia về với bà con vùng rừng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên là một “kỳ tích” thực sự, đến từ sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và ngành Điện lực.
Sau hơn 1 tháng thi công, hơn 24 km đường dây trung thế và hạ thế, cùng 5 trạm biến áp đã "kéo" điện về cho bà con Châu Mạ, S’Tiêng. Tiếp đó, UBND huyện Cát Tiên cũng đã đầu tư gần 100 triệu đồng lắp đặt 13 bóng đèn chiếu sáng đường quê tại 2 thôn này.
Theo ông Đoàn Ngọc Nam - Chủ tịch UBND xã Phước Cát 2, hiện tại 2 thôn còn lại 6 hộ nghèo, nhưng tất cả đều có khả năng vươn lên thoát nghèo. Thời gian tới, ngoài việc hoàn thành các hạng mục dự án “Bố trí, sắp xếp dân cư vùng đặc biệt khó khăn”, huyện và xã sẽ tiếp tục có những chính sách đầu tư, hỗ trợ giúp bà con phát triển kinh tế.
“Đối với thôn 3, địa phương đang định hướng và hỗ trợ cho bà con phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Còn thôn 4, xã đang vận động bà con đầu tư, cải tạo vườn điều và trồng xen cà phê, sầu riêng để nâng cao thu nhập. Chúng tôi tin rằng ít năm tới, đời sống của bà con vùng rừng lõi sẽ được nâng lên và bắt kịp sự phát triển chung của toàn xã” - ông Nam cho biết thêm.
Hải Đường
Share