Báo cáo cho thấy quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu đang bước vào một giai đoạn mới, được đánh dấu bằng chi phí tăng, tính phức tạp và các thách thức về công nghệ gia tăng. Nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và lượng khí thải phát sinh có thể ảnh hưởng đến tốc độ chuyển đổi năng lượng, đòi hỏi phải xem xét lại cả các chiến lược về nhiên liệu hóa thạch và năng lượng carbon thấp để đáp ứng các mục tiêu được nêu trong Thỏa thuận Paris.
Báo cáo "Triển vọng năng lượng toàn cầu 2024" khám phá lộ trình tăng 1,5°C cũng như 3 kịch bản chuyển đổi năng lượng khác để đưa ra những đánh giá về các con đường khác nhau dẫn đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0, cung cấp cơ sở dữ liệu thực tế để hỗ trợ các bên liên quan trong giai đoạn mới này. Những thông tin chính bao gồm:
Nhu cầu năng lượng toàn cầu dự kiến sẽ tăng tới 18% cho đến năm 2050, chủ yếu do sự gia tăng tiêu thụ năng lượng ở các nền kinh tế đang phát triển (đặc biệt là các nước ASEAN, Ấn Độ và Trung Đông).
Năng lượng tái tạo dự kiến sẽ tăng lên 65 - 80% trong cơ cấu sản xuất điện toàn cầu vào năm 2050, tùy thuộc vào kịch bản.
Đáng chú ý, nhu cầu về hydro dự kiến sẽ thấp hơn tới 25% so với dự kiến trước đây do chi phí tăng 20 - 40% và sự không chắc chắn về quy định.
Nhiên liệu hóa thạch dự kiến sẽ chiếm 40 - 60% tổng nhu cầu năng lượng đến năm 2050, với nhu cầu nhiên liệu hóa thạch dự kiến sẽ ổn định trong khoảng năm 2025-2035 và sau đó sẽ giảm dần.
Các động lực chính khiến nhu cầu dầu giảm bao gồm, việc sử dụng xe điện (EV), tái chế nhựa liên tục và nhu cầu về nhiên liệu bền vững tăng lên. Đến năm 2050, xe điện chạy pin (BEV) dự kiến sẽ chiếm 99% doanh số bán xe chở khách toàn cầu trong kịch bản “Tiếp tục đà tăng trưởng”, tăng từ 13% hiện nay và 71% vào năm 2030.
Tác động tiếp theo đến lượng khí thải, dự kiến sẽ bắt đầu giảm trong khoảng từ năm 2025 đến năm 2035 sau khi đạt đỉnh.
Chi tiêu vốn hàng năm cho tài sản vật chất dự kiến sẽ tăng tới 80% vào năm 2040.
Phân tích chứng minh rằng việc xây dựng các công nghệ năng lượng sạch chưa đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu ngày càng tăng. Cho đến nay, việc xây dựng các nguồn năng lượng tái tạo phần lớn được hưởng lợi từ các trường hợp ứng dụng dễ dàng nhất, nơi chính sách và nguồn tài trợ dồi dào nhất.
Diego Hernandez Diaz, đối tác tại McKinsey đã phản ánh về kết quả nghiên cứu: “Để điều hướng giai đoạn quan trọng này của quá trình chuyển đổi năng lượng trong khi vẫn giữ được mức giá hợp lý, đáng tin cậy và thân thiện với môi trường, chúng ta cần hành động khẩn cấp và đẩy nhanh tốc độ thay đổi”.
“Mặc dù số lượng các mục tiêu phát thải ròng bằng không toàn cầu đang gia tăng, các công nghệ cần thiết để đạt được mục tiêu này vẫn chưa tiến triển đủ nhanh. Các giải pháp carbon thấp phải được mở rộng quy mô, nhưng chúng đang phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn khi lãi suất tăng và những thách thức về chuỗi cung ứng làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn”, ông Diaz nói.
Đáng chú ý, báo cáo cũng chỉ ra rằng tốc độ chuyển đổi năng lượng hiện tại có thể đòi hỏi phải khai thác thêm dầu để đáp ứng nhu cầu năng lượng, trong tất cả các kịch bản. Dự báo trước đây về đỉnh điểm của nhiên liệu hóa thạch vào cuối thập kỷ này giờ đây được mô tả chính xác hơn là một sự ổn định.
Đồng thời, các dự báo cho thấy giá carbon toàn cầu hiện đang quá thấp để thúc đẩy quá trình khử carbon cần thiết nhằm đáp ứng các điều kiện của các kịch bản nhanh hơn, đặc biệt là việc triển khai rộng rãi công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS), điều này sẽ rất quan trọng để giảm thiểu các nguồn nhiên liệu có cường độ carbon cao hơn.
Humayun Tai, đối tác cấp cao tại McKinsey, cho biết thêm: “Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, việc tiếp tục đầu tư vào CCUS và hiệu quả năng lượng là điều cần thiết để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Đảm bảo một mô hình kinh doanh khả thi thông qua sự kết hợp đúng đắn giữa chính sách, khuôn khổ tài chính và các ưu đãi sẽ rất quan trọng trong việc thúc đẩy các bên liên quan áp dụng và xây dựng các công nghệ carbon thấp”.
Báo cáo lưu ý rằng, việc đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi sẽ đòi hỏi phải vượt qua một số thách thức ảnh hưởng đến việc triển khai các công nghệ carbon thấp, bao gồm sản xuất điện và nhiên liệu bền vững. Kết hợp với việc cần tăng gấp 3 lần đầu tư vào hệ thống truyền tải và phân phối (T&D) đến năm 2050 để bù đắp cho sự thiếu đầu tư và đáp ứng nhu cầu từ các nguồn năng lượng tái tạo không liên tục, điều này cho thấy quy mô thách thức phía trước.
Link gốc
Theo petrotimes.vn
Share