Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I, II thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư.
Dự án được thực hiện nhằm bổ sung nguồn cung cấp điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nâng cao độ an toàn và ổn định cho hệ thống lưới điện.
Bên cạnh đó, dự án còn góp phần tăng tỷ trọng nguồn nhiệt điện trong cơ cấu nguồn điện của hệ thống điện quốc gia, khắc phục sự phụ thuộc của hệ thống vào nguồn thủy điện…
Theo phê duyệt của Bộ Công Thương tại Quyết định số 4359/QĐ-BCT ngày 21/11/2018, Trung tâm Điện lực Quảng Trạch được xây dựng tại thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, với tổng diện tích 540,5 ha (330,5ha diện tích đất liền và 210ha diện tích mặt nước biển).
Mô hình Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I, II thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch
|
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I và dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II khi hoàn thành, hàng năm cung cấp khoảng 16,8 tỷ kWh cho hệ thống điện quốc gia.
Đến nay, EVN đã hoàn thành các hồ sơ pháp lý của dự án về phê duyệt FS (báo cáo nghiên cứu khả thi), báo cáo đánh giá tác động môi trường và các thủ tục triển khai đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I...
EVN đang phối hợp với tỉnh Quảng Bình tích cực khẩn trương thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đưa các hộ dân Chòm 1, 2, 3 thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông vào khu tái định cư để chuẩn bị khởi công dự án vào đầu quý III năm 2019. Dự kiến, đến năm 2023, dự án sẽ hoàn thành, đưa nhà máy vào hoạt động.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch II hiện đã hoàn thành công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Theo EVN, các dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I và II sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến nhất, lò hơi đốt thông số “siêu tới hạn”. Đặc biệt, hệ thống băng tải than, hệ thống khử lưu huỳnh, khử bụi… của nhà máy đều áp dụng theo các tiêu chuẩn tiên tiến của Châu Âu. Do đó, các chất phát thải ra môi trường đáp ứng các quy chuẩn về môi trường Việt Nam hiện hành. Nhà máy sử dụng than Bitum nhập khẩu nên lượng tro xỉ ít (khoảng 10%) và đủ điều kiện để sử dụng làm vật liệu xây dựng, phụ gia cho các nhà máy sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, các dự án nhiệt điện Quảng Trạch cũng chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng về các thông số chất lượng khí thải, nước thải, được hệ thống giám sát quan trắc môi trường Online (CEMS) truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát liên tục 24/24h.
Theo ông Phan Văn Thường, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình, việc đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I sẽ mang lại nhiều tác động tích cực, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, vật liệu xây dựng, dịch vụ…
Khi Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I đi vào vận hành, ngoài việc đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 1.200 tỷ đồng/năm (cả 2 nhà máy là khoảng 2.400 tỷ đồng), còn thu hút khoảng 1.200 lao động, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lao động địa phương, đặc biệt là lao động có trình độ cao.
Trong giai đoạn đầu tư xây dựng, vào thời gian cao điểm, có khoảng 3.000 lao động xây dựng trên công trường, đồng thời, thu hút hàng nghìn lao động khác trong các lĩnh vực dịch vụ, vật liệu xây dựng, vận chuyển…
Để đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành dự án theo đúng tiến độ quy định tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh (vận hành tổ máy 1 Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I vào đầu năm 2023, tổ máy số 2 cuối năm 2023).
Trong tháng 12/2018, EVN cùng với tỉnh Quảng Bình xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng; tổ chức công bố quy hoạch điều chỉnh Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; giới thiệu công nghệ nhiệt điện than, công nghệ Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I và đối thoại với người dân địa phương.
EVN cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân trong vùng dự án, tạo sự đồng thuận, tự giác chấp hành tốt chủ trương bồi thường, giải phóng mặt bằng và di dân tái định cư để Nhà máy được khởi công theo kế hoạch đề ra.
Theo báo Quảng Bình
Share