Đưa vào sử dụng Bản đồ ngập lụt hạ du hồ chứa nước trên 6 lưu vực sông

15:43, 29/03/2019

Ngày 29/3, tại Hà Nội, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức bàn giao Bản đồ ngập lụt do nước biển dâng trong tình huống bão mạnh, siêu bão và Bản đồ ngập lụt hạ du hồ chứa nước trên lưu vực sông liên tỉnh cho Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Bản đồ ngập lụt do nước biển dâng trong tình huống bão mạnh, siêu bão được xây dựng cho 28 tỉnh, thành phố ven biển với 5 kịch bản tương ứng các cấp bão mạnh nhất có thể xảy ra cho dải ven biển Việt Nam.

Bản đồ ngập lụt hạ du hồ chứa nước trên lưu vực sông liên tỉnh được xây dựng với các kịch bản xả lũ lớn và tình huống vỡ đập trên 6 lưu vực sông liên tỉnh sông Hồng, sông Mã, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba, sông Srepok, sông Sê San. Có tổng cộng 119 kịch bản tương ứng với số lượng hồ chứa thuộc từng lưu vực sông.

Lễ ký kết biên bản bàn giao giữa đại diện Tổng cục Phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn 

Trước diễn biến khó lường và cực đoan của thiên tai, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai xây dựng 2 bản đồ này làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương xây dựng phương án ứng phó, cũng như xây dựng phương án chỉ đạo điều hành chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.

 Quá trình nghiên cứu, xây dựng các bản đồ có sự tham gia của những đơn vị tư vấn như Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Thủy lợi,...

Các bản đồ được đưa vào sử dụng sẽ góp phần cho Ban Chỉ đạo Trung ương và các địa phương chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, là cơ sở để phát triển, xây dựng hệ thống chỉ đạo điều hành theo thời gian thực.

Hạ lưu Thủy điện Hòa Bình đã có bản đồ ngập lụt 

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, trong 20 năm qua, các khu vực trên cả nước đã phải hứng chịu hầu hết các loại hình thiên tai (trừ sóng thần), gây tổn thất nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, tác động xấu đến môi trường sống, sản xuất kinh doanh của người dân. 

Bình quân mỗi năm có khoảng 400 người thiệt mạng, mất tích do thiên tai; thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP/năm, trong đó gây thiệt hại nặng nề nhất là bão mạnh, lũ lớn.

Theo phân vùng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dải ven biển Việt Nam chịu ảnh hưởng của bão mạnh, siêu bão với sức gió lên tới cấp 16; đồng thời, nguy cơ lũ lớn xảy ra trên các lưu vực sông, đặc biệt là các lưu vực sông liên tỉnh.


Lê Việt

Share