Tham dự cuộc họp có GS. Trần Quốc Tuấn, Đại học Paris-Saclay; GS. Jean Mahseredjian, Đại học Bách khoa Montreal, thành viên Fellow của Hội Kỹ sư Điện và Điện tử (IEEE).
Cùng dự có đại diện của Viện Năng lượng; Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO), các ban chuyên môn EVN, 9 Tổng công ty và 4 CTCP Tư vấn Xây dựng điện trong EVN.
Ngoài ra còn có sự tham dự của đại diện Trường Đại học Điện lực; Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Thủy lợi; Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng; Trường Đại học Bách khoa TP. HCM.
Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải phát biểu khai mạc hội thảo
|
Khai mạc hội thảo, Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cho biết, tính đến hết năm 2023, tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống điện Việt Nam đạt xấp xỉ 80.000MW, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) chiếm tới gần 22.000MW, tương đương tỷ trọng 27% toàn hệ thống. Sự phát triển của các nguồn NLTT đặt ra nhiều vấn đề mới đối với hệ thống điện, trong đó có nhu cầu về mô phỏng các nguồn NLTT, các nguồn phân tán; tính toán các bài toán quá độ điện từ như quá độ điện áp, ổn định hệ thống, ngắn mạch, bảo vệ hệ thống điện, phân tích sóng hài, hiện tượng cộng hưởng...
Do đó, Phó Tổng giám đốc EVN mong muốn, thông qua cuộc hội thảo, các chuyên gia, những người sáng tạo và phát triển chương trình EMTP - phần mềm giúp các kỹ sư mô phỏng, tính toán các quá trình quá độ điện từ trong hệ thống điện sẽ giúp các đơn vị trong EVN tìm hiểu cặn kẽ các tính năng ưu việt của công cụ này, xem xét đề xuất khả năng áp dụng mở rộng tại đơn vị của mình; hoặc trên cơ sở những tiềm năng từ chương trình EMTP, các đơn vị, các trường có thể đào tạo chuyên sâu hơn về công cụ tính toán này, phục vụ hiệu quả cho vận hành hệ thống điện Việt Nam.
Lãnh đạo EVN cũng mong muốn Giáo sư Trần Quốc Tuấn và GS. Jean Mahseredjian sẽ đem kinh nghiệm quý báu của mình truyền đạt lại cho các cán bộ EVN, các thầy cô giáo của các trường đại học.
Giáo sư Trần Quốc Tuấn thuộc Đại học Paris-Saclay chia sẻ tại Hội thảo.
|
Chia sẻ tại hội thảo, Giáo sư Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh hội thảo là cơ hội để các chuyên gia trong và ngoài nước trong lĩnh vực năng lượng, tự động hóa được gặp gỡ, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời bày tỏ hy vọng sau hội thảo các đơn vị trong EVN sẽ có những tư duy mới, những cách làm phù hợp, hiệu quả khi áp dụng phần mềm EMTP vào thực tế.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được lắng nghe GS. Jean Mahseredjian và Giáo sư Trần Quốc Tuấn giới thiệu về EMTP và các chức năng chuyên sâu của EMTP, hướng dẫn lập mô hình và mô phỏng lưới điện khi có nguồn năng lượng tái tạo cao và các nguồn có inverter tham gia vào lưới, lợi ích của EMTP trong thị trường điện; cách xây dựng và xử lý dữ liệu, các dạng và cách thức tiến hành mô phỏng.
Ngoài các nội dung trao đổi liên quan đến kỹ năng sử dụng phần mềm EMTP, GS Trần Quốc Tuấn cũng chia sẻ những kinh nghiệm ứng dụng thực tiễn của phần mềm trên hệ thống điện Việt Nam và tình hình, xu hướng phát triển của nguồn năng lượng tái tạo trên thế giới.
Hội thảo chuyên đề về chương trình quá độ điện từ (EMTP) được tổ chức theo hình thực trực tiếp kết hợp trực tuyến.
|
Thực tế, khi các nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng cao, việc mô phỏng và tính toán hệ thống điện sẽ trở nên ngày càng phức tạp. Phần mềm EMTP (Electromagnetic Transients Programme) là công cụ quan trọng giúp các kỹ sư tính toán quá trình quá độ điện từ và các quá trình siêu quá độ của hệ thống điện, đặc biệt là mô phỏng, tính toán các bài toán liên quan đến nguồn năng lượng tái tạo.
T.Huyền
Share