Giải pháp chuyển dịch năng lượng trong doanh nghiệp

10:29, 17/05/2024

Chuyển dịch năng lượng vừa là yêu cầu bắt buộc từ thị trường, từ đối tác vừa trở thành hướng đi tất yếu, giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu sản xuất xanh, sạch và bền vững.

Chuyển đổi năng lượng giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu kép

Ông Lê Vũ Minh, Giám đốc tư vấn của FPT Digital 

Chia sẻ tại sự kiện DxHub do FPT Digital tổ chức với chủ đề “Định hướng chuyển dịch năng lượng bền vững và thực tiễn triển khai cho doanh nghiệp sản xuất” diễn ra ngày 15/5 tại Hà Nội, ông Lê Vũ Minh, Giám đốc tư vấn của FPT Digital cho biết, hiện nay hoạt động sản xuất công nghiệp tại Việt Nam còn phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch với tỷ trọng lớn.

Chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo không những giúp tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho doanh nghiệp. Những lợi ích có thể nhìn thấy được như tiết kiệm chi phí vận hành, giảm thiểu rủi ro liên quan đến biến động giá nhiên liệu hóa thạch, đảm bảo hoạt động sản xuất không bị gián đoạn.

Chuyển dịch năng lượng xanh, sạch trong tất cả các lĩnh vực đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Ông Minh cũng chỉ rõ, năng lượng xanh sẽ giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu kép cả về kinh tế lẫn giá trị phi tài chính, vừa đáp ứng tiêu chuẩn của các bên liên quan (đối tác, khách hàng, thị trường), đặc biệt là tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, Nhật, châu Âu, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp.

“Xu hướng chung các thị trường này đều đòi hỏi nhà xuất khẩu, nhà cung cấp tham gia vào chuỗi cung ứng phải đáp ứng các yêu cầu về giảm phát thải khí nhà kính, tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo… Nếu doanh nghiệp không đáp ứng sẽ phải rời bỏ cuộc chơi, dẫn đến mất khách hàng, mất thị trường và điều đó đồng nghĩa mất đi khả năng cạnh tranh,” ông Minh nhấn mạnh.

Hơn nữa, việc đầu tư vào hệ thống năng lượng tái tạo cũng nhận được hỗ trợ từ Chính phủ với các chính sách khuyến khích, các nguồn vốn ưu đãi theo Thỏa thuận hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), cơ chế hỗ trợ hay nguồn tài chính xanh của các ngân hàng hay các định chế tài chính khác.

Trong giai đoạn hiện nay, sự hỗ trợ chủ yếu hướng tới những dự án tiên phong, có tính chất thúc đẩy. Do đó, nếu doanh nghiệp có thể tiếp cận được những nguồn vốn này sẽ rất thuận lợi bởi chuyển dịch năng lượng hay thay đổi công nghệ là bài toán dài hơi cần sự đầu tư rất lớn.

Ngoài mục tiêu về kinh tế, lợi ích “phi tài chính” ở đây chính là động lực thúc đẩy sự đổi mới, “tái tạo” chính bản thân doanh nghiệp. Khi tiếp cận các xu hướng mới, ví dụ như chuyển dịch năng lượng, là cơ hội nảy sinh những ý tưởng sáng tạo, những thay đổi trong nội tại, tạo ra năng lực cạnh tranh mới và xây dựng giá trị cốt lõi về lâu dài cho doanh nghiệp.

Trong dài hạn, doanh nghiệp áp dụng năng lượng xanh sẽ được nhà đầu tư đánh giá cao hơn do tiềm năng tạo ra lợi nhuận bền vững và có trách nhiệm với môi trường, với cộng đồng và xã hội. Bên cạnh đó, thương hiệu doanh nghiệp sẽ tạo ấn tượng tốt hơn với các bên từ nhân sự tới khách hàng, nhà cung cấp, đối tác…

Giải pháp tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng

Chuyển dịch năng lượng mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp ở nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, việc tự sản xuất năng lượng xanh như điện mặt trời, điện gió, hoặc năng lượng sinh học có thể mang lại nhiều lợi ích nhưng lại đòi hỏi khoản đầu tư ban đầu lớn và kiến thức kỹ thuật phức tạp.

Một ví dụ điển hình tại Nhà máy sản xuất thép của Tập đoàn Hòa Phát tại Dung Quất (Quảng Ngãi), bài toán chuyển dịch năng lượng và tối ưu sử dụng năng lượng đã được đặt ra ngay từ đầu. Trong đó có thiết kế hệ thống thu hồi nhiệt lượng trong quá trình luyện thép và hình thành nguồn năng lượng tự cung tự cấp, đáp ứng khoảng 80% phụ tải tại chỗ cho hoạt động vận hành của nhà máy.

Hay trường hợp Công ty Sữa Vinamilk, ngoài bỏ vốn đầu tư nguồn điện quy mô lớn từ năng lượng mặt trời, gió, công ty còn áp dụng tự động hóa, thay thế hệ thống xe nâng hàng bằng hệ thống robot, giúp giảm 60% lượng khí thải trong vận hành.

Vinamilk còn tận dụng nguồn phế thải từ chăn nuôi làm biogas để cung cấp nhiệt cho quá trình sấy cỏ hoặc làm lạnh, tạo thành một chu trình tuần hoàn khép kín, giúp giảm tiêu thụ năng lượng cũng như giảm thiểu phát thải ra môi trường.

Ông Trần Quốc Hải, Giám đốc Chuyển đổi năng lượng bền vững SP Group

Ông Trần Quốc Hải, Giám đốc Chuyển đổi năng lượng bền vững SP Group cho biết, bên cạnh việc tự đầu tư hệ thống sản xuất năng lượng xanh, doanh nghiệp Việt Nam có thể mua lại năng lượng tái tạo từ các bên cung ứng, tùy theo nhu cầu, mục tiêu và điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp. Lựa chọn này bên cạnh tính linh hoạt và nhanh chóng hơn, còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và nguồn lực đầu tư.

Ngoài ra, có nhiều giải pháp để tối ưu hiệu quả sử dụng năng lượng, ví dụ như năng lượng mặt trời giúp giảm chi phí điện năng khoảng 30% so với nguồn điện thông thường, giải pháp hệ thống làm mát tập trung giảm tiêu thụ năng lượng đồng nghĩa cũng giảm chi phí 30%... Tại mỗi khâu, mỗi giải pháp khi kết hợp đồng bộ, tổng thể sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được đáng kể chi phí và vốn đầu tư.

Lựa chọn hướng đi và giải pháp phù hợp với thực trạng

Theo ông Stuart Livesey, đồng Chủ tịch Tiểu ban Phát triển xanh, Eurocham Việt Nam, hiện còn một số rào cản trong việc chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam. Đầu tiên là vấn đề thiếu đồng bộ về hạ tầng lưới điện, có thể làm hạn chế khả năng tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo vào lưới điện quốc gia, đặc biệt là ở những khu vực xa trung tâm.

Về mặt cơ chế, thị trường năng lượng ở Việt Nam mới đang trong quá trình bắt đầu chuyển đổi, do đó cần nhanh chóng hoàn thiện về các cơ chế, chính sách để thúc đẩy và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo từ phía doanh nghiệp cũng như thu hút các nhà đầu tư trong ngành năng lượng sạch.

Ông Stuart Livesey, đồng Chủ tịch Tiểu ban Phát triển xanh, Eurocham Việt Nam

Về phía doanh nghiệp, mỗi đơn vị đều có những đặc thù riêng, do đó trước hết cần phải tính toán, xác định được đặc điểm về nguồn, nhu cầu sử dụng năng lượng trong từng công đoạn sản xuất, từng khu vực. Căn cứ vào những dữ liệu đầu vào đó, doanh nghiệp sử dụng các nền tảng quản lý việc cung cấp và tiêu thụ năng lượng từ các nguồn hiện có một cách tối ưu nhất, rồi từng bước tìm cách thay thế các nguồn năng lượng mới, xanh sạch hơn. Vì vậy, việc lựa chọn hướng đi và giải pháp nào phù hợp với thực trạng, với mục tiêu ngắn hạn, dài hạn cũng như định hướng chiến lược phát triển của doanh nghiệp là quan trọng nhất.

Đại diện FPT Digital cũng khuyến nghị các doanh nghiệp nên cân nhắc và đưa ra bài toán chiến lược về chuyển đổi số để có thể kết hợp song hành với câu chuyện về chuyển dịch năng lượng.

Theo ông Minh, chuyển dịch năng lượng là bài toán quy mô lớn và dài hạn mà doanh nghiệp khó có thể tiến hành theo dõi, thu thập, phân tích, đánh giá chính xác và tối ưu hóa theo hình thức truyền thống. Sự kết hợp này cũng giúp doanh nghiệp đa dạng hóa và sử dụng linh hoạt các nguồn năng lượng khác nhằm mục tiêu phát triển bền vững.


Ngọc Linh

Share