Hà Nội: Quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững

17:13, 02/05/2024

Chiếu sáng đô thị là nhu cầu tất yếu trong một đô thị hiện đại, nhằm đảm bảo các hoạt động của đô thị được diễn ra an toàn, đảm bảo trật tự an ninh đô thị, đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ, làm đẹp cảnh quan môi trường và góp phần định vị bản sắc riêng cho đô thị. Chiến lược phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu và quy hoạch chiếu sáng đô thị bền vững đòi hỏi hoàn thiện công tác quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị đáp ứng theo mô hình đô thị thông minh, giảm phát thải khí nhà kính.

Phát triển hệ thống CSCC theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững là tổng thể các giải pháp chiếu sáng sử dụng nguồn sáng có hiệu suất cao, tiết kiệm điện và thân thiện với môi trường.

Mục đích nhằm phân tích định hướng phát triển chiếu sáng công cộng đô thị (CSCC) theo hướng xanh hiệu quả và bền vững, đồng thời phân tích thực trạng công tác quản lý vận hành hệ thống CSCC trên địa bàn Thành phố Hà Nội như một trường hợp nghiên cứu điển hình cho thực trạng hệ thống CSCC tại Việt Nam. Một số khuyến nghị về chính sách, cơ chế và phân cấp; Sử dụng các thiết bị, công nghệ thông minh tiết kiệm năng lượng; Nâng cao năng lực đơn vị quản lý vận hành đã được đề xuất cho việc quản lý hệ thống CSCC theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững, phù hợp bối cảnh hiện nay.

Xu hướng chiếu sáng công cộng đô thị theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững

Phát triển hệ thống CSCC theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững: Là tổng thể các giải pháp chiếu sáng sử dụng nguồn sáng có hiệu suất cao, tiết kiệm điện và thân thiện với môi trường; Được thiết kế hợp lý, khoa học, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chiếu sáng; Ứng dụng công nghệ điều khiển thông minh và giải pháp chuyển đổi số trong công tác quản lý, vận hành tạo môi trường chiếu sáng tiện nghi, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Định hướng Quy hoạch chung Hà Nội đã xác định: Xây dựng Thủ đô "Xanh văn hiến, văn minh, hiện đại". Yếu tố "Xanh" ở đây có quan hệ trực tiếp với phát triển hạ tầng xanh đô thị. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, trong đó xác định phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, thông minh bền vững là một nội dung định hướng chiến lược.

Hiện trạng công tác quản lý hệ thống CSCC trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Đặc điểm hệ thống CSCC Thành phố Hà Nội

Sử dụng nhiều chủng loại đèn chiếu sáng với công nghệ khác nhau, có kết cấu gá lắp đèn không đồng bộ (đặc biệt là trong khu vực ngõ xóm). Hiện có gần 30% đèn chiếu sáng được sử dụng nguồn sáng LED.

Trung tâm điều khiển và giám sát hệ thống CSCC thành phố (TTĐK) có quy mô lớn và hiện đại nhất trong cả nước kết nối 1.921 tủ chiếu sáng (chiếm 70% tổng số tủ điều khiển) trên địa bàn thành phố theo công nghệ GSM/3G,4G cho phép điều khiển linh hoạt theo tình hình thời tiết và tiết kiệm điện năng.

Hệ thống CSCC gồm chiếu sáng đường phố và chiếu sáng ngõ xóm

Chiếu sáng đường phố (chiếm trên 60% chiều dài tuyến điện hệ thống CSCC thành phố) đang được thực hiện lắp đặt mới và cải tạo bằng đèn LED; Hầu hết đã được kết nối đồng bộ với TTĐK cho phép việc quản lý vận hành hệ thống CSCC chiếu sáng được linh hoạt theo thời tiết, nhu cầu của từng tuyến đường, báo hiệu kịp thời nếu có sự cố xảy ra trên lưới, giúp thuận lợi trong quá trình quản lý vận hành, kiểm soát và khắc phục sự cố.

Chiếu sáng ngõ xóm (chiếm gần 40% chiều dài tuyến điện hệ thống CSCC thành phố). Trong những năm qua do kinh phí ngân sách còn hạn hẹp nên khu vực chiếu sáng ngõ xóm ít được cải tạo, nâng cấp; Chủ yếu là thực hiện việc hỏng đâu sửa đó, khắc phục các sự cố bất thường để đảm bảo bóng sáng.

Phân cấp trong công tác quản lý CSCC

Trước năm 2017, công tác quản lý duy tu, duy trì hệ thống CSCC thành phố được UBND Thành phố giao cho rất nhiều đơn vị làm đại diện chủ đầu tư bao gồm 2 sở chuyên ngành là Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải, UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố và có rất nhiều đơn vị tham gia vào việc quản lý vận hành với năng lực khác nhau. Trong giai đoạn 2018-2020, thành phố đã cho phép đấu thầu công quản lý CSCC, các gói thầu được chia hợp lý phù hợp với đặc điểm, quy mô hệ thống CSCC của thành phố.

Trong giai đoạn 2021-2025, Sở Xây dựng được giao làm chủ đầu tư thực hiện đấu thầu công tác Quản lý CSCC trên địa bàn thành phố và chia thành 5 gói thầu theo địa dư hành chính. Trong đó, Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị - Hapulico trúng thầu thực hiện công tác quản lý trên địa bàn 22 quận, huyện của thành phố.

Từ năm 2022, Thành phố thực hiện phân cấp cho Sở Xây dựng là chủ đầu tư hệ thống CSCC khu vực đường phố và quận, huyện làm chủ đầu tư hệ thống CSCC ngõ xóm theo Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 của HĐND Thành phố Hà Nội”.

Việc phân cấp quản lý hệ thống CSCC vẫn đang là một thách thức, khó khăn đối với Thành phố. Qua nhiều lần điều chỉnh, thay đổi từ quản lý tập trung đến phân cấp cho quận, huyện và quay lại mô hình quản lý tập trung, có thể thấy các cấp quản lý của Thành phố vẫn đang cố gắng nghiên cứu, tìm hướng giải quyết tối ưu bài toán phân cấp cho phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội.

Công tác quản lý vận hành CSCC thành phố

Hệ thống CSCC là trải qua quá trình vận hành sử dụng sẽ dần xuống cấp nhưng việc xuống cấp này khó phát hiện bằng mắt thường mà phải qua công tác kiểm tra, đo kiểm; Công tác quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng khác so với công trình thi công xây lắp mới, đặc biệt là đối với hệ thống mang điện; Yêu cầu thực hiện là 24/24 giờ/ngày. Vì vậy, cần có đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật lành nghề thông thuộc địa bàn quản lý để tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện các khuyết tật, đề xuất duy tu sửa chữa kịp thời; Phương tiện thiết bị, xe chuyên dùng phải túc trực, luôn trong tình trạng sẵn sàng phục vụ công tác, đặc biệt là đối với các công tác ứng phó, xử lý sự cố.

TTĐK cho phép kiểm soát tình trạng hoạt động của hệ thống CSCC, điều chỉnh linh hoạt thời gian đóng cắt theo mùa, theo thời tiết nhằm đáp ứng yêu cầu chiếu sáng và tiết kiệm điện năng tiêu thụ.

Hà Nội là thành phố có chiều dài tuyến chiếu sáng trong khu vực ngõ xóm chiếm gần 40% hệ thống CSCC, công tác quản lý rất phức tạp và nhậy cảm: Hệ thống cáp cấp điện đi nổi, đèn treo sát ban công, mái hiên nhà dân nên nguy cơ thất thoát điện năng do người dân câu móc trái phép là rất lớn. Để giảm thiểu các hiện tượng trên đòi hỏi các đơn vị quản lý chiếu sáng phải có đội ngũ công nhân quản lý vận hành nắm vững lưới điện, thông thuộc địa bàn tăng cường kiểm tra, kiểm soát vào buổi tối và đêm; Áp dụng các biện pháp như kiểm soát điện năng tiêu thụ bằng phần mềm, lắp đặt tủ phân đoạn, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng công an các phường đấu tranh ngăn ngừa các hiện tượng trên.

Ngân sách dành cho CSCC còn eo hẹp, chỉ đáp ứng ở mức tối thiểu cho công tác duy trì sửa chữa thường xuyên và phần lớn kinh phí (56% ngân sách) dành để chi trả điện năng tiêu thụ.

Đề xuất giải pháp hoàn thiện công tác quản lý vận hành Hệ thống CSCC theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững

Từ phân tích những tồn tại hiện hữu của hệ thống CSCC trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giải pháp hoàn thiện công tác quản lý vận hành hệ thống CSCC theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững có thể được cải thiện dựa trên chuyển đổi ba phạm vi cơ bản: Xây dựng chính sách, cơ chế tài chính và hoàn thiện công tác phân cấp; Sử dụng các thiết bị, công nghệ thông minh và tiết kiệm năng lượng; Nâng cao năng lực đơn vị quản lý vận hành. Theo đó, cần thiết hoàn thiện mô hình quản lý vận hành hệ thống CSCC phù hợp yêu cầu tăng trưởng xanh giai đoạn 2030-2050.

Đề xuất phương pháp tiếp cận quản lý vận hành hệ thống CSCC theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững.

Xây dựng chính sách, cơ chế tài chính và hoàn thiện công tác phân cấp

Định hướng hoàn thiện chính sách: Nghị định 79/2009/NĐ-CP về quản lý chiếu sáng đô thị được Chính phủ ban hành năm 2009, Quyết định 1874/QĐ-TTg phê duyệt định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2010 đến nay đã trên 10 năm, hiện nay đã có nhiều thay đổi từ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, về doanh nghiệp quản lý vận hành khai thác hệ thống CSCC, sự thay đổi về công nghệ chiếu sáng, yêu cầu mới đáp ứng đô thị thông minh. Do vậy, cần rà soát điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật về CSCC theo hướng:

Rà soát và hoàn thiện các quy định, chính sách và khuyến nghị quốc gia hiện hành tập trung vào các vấn đề liên quan. Tăng cường các cơ sở pháp lý, chính sách về quản lý hệ thống CSCC theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững. Cần có cơ sở, tiêu chuẩn, quy định về tiêu chí hệ thống CSCC thông minh, bền vững kèm hướng dẫn kỹ thuật làm cơ sở cho việc thiết kế, quy hoạch, lựa chọn và đầu tư trang thiết bị cũng như lựa chọn nhân lực phục vụ công tác quản lý.

Khi đã hoàn thiện khái niệm hệ thống chiếu sáng xanh, bền vững và xác định rõ các nhiệm vụ quản lý, để thực thi cần có các chính sách khuyến khích tín chỉ carbon, thuế doanh nghiệp, thuế xuất, nhập khẩu, giá, công tác đấu thầu trong các dự án chiếu sáng đô thị. Nội dung này cần được nghiên cứu và xây dựng dựa trên khung chiến lược Quốc gia về chuyển đổi xanh và tín chỉ carbon quốc gia.

Cần có chỉ dẫn kỹ thuật thế nào là hệ thống CSCC xanh làm cơ sở căn cứ lựa chọn thiết bị và công nghệ.

Bổ sung, thay thế và hoàn thiện hệ thống định mức, dự toán cho phù hợp công nghệ, thiết bị và năng lực của công tác quản lý vận hành theo hướng xanh. Xây dựng ước tính tổng mức tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải CO2 của các hệ thống CSCC được lắp đặt.

Đảm bảo hệ thống thiết bị CSCC được dán nhãn năng lượng theo lộ trình trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hỗ trợ tài chính và các chính sách khuyến khích đối với công nghệ chiếu sáng CSCC xanh, giúp giảm thiểu chi phí và tăng cường sự thúc đẩy của các doanh nghiệp và chủ đầu tư.

Giải pháp về tài chính trong phát triển hạ tầng CSCC theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững: Đầu tư cho CSCC theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững của các chính quyền đô thị hiện nay chưa được ưu tiên do thiếu cơ chế khuyến khích và chưa có mục tiêu cụ thể. Sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân thông qua phương pháp tiếp cận PPP hoặc ESCO còn hạn chế do thiếu quy định liên quan của Nhà nước. Do vậy, có thể thực hiện theo hướng: Xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng KHCN; Thông qua các chương trình vốn ODA.

Hoàn thiện phân cấp quản lý hệ thống CSCC: Công tác phân cấp quản lý các lĩnh vực hạ tầng đô thị nói chung và hệ thống CSCC nói riêng được Thành phố Hà nội liên tục rà soát, nghiên cứu và hoàn thiện qua các năm để phù hợp với xu thế chung và từng giai đoạn phát triển đô thị, kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, lưới CSCC là một công trình hạ tầng kỹ thuật mang tính chất hệ thống, tính liên thông cao và khác với các lĩnh vực hạ tầng khác như môi trường đô thị, cây xanh, hè phố, đường bộ… có thể dễ dàng ngắt khúc, phân định quản lý theo địa giới hành chính. Như thực tế lưới điện CSCC Thành phố Hà nội, hệ thống CSCC các tuyến đường phố nội thành (do Sở Xây dựng quản lý) đồng thời còn cấp nguồn và điều khiển cho các đường nhánh, đường xương cá là hệ thống chiếu sáng ngõ - ngách - hẻm (phân cấp cho quận). Do vậy, khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 của HĐND Thành phố Hà Nội phát sinh các vướng mắc trong công tác quản lý phân cấp CSCC như: Phát sinh đầu mối và nhân sự có chuyên môn để quản lý, giám sát công tác thực hiện của đơn vị thực hiện công tác quản lý CSCC tại các quận, huyện; Hiện tượng “da báo” trên các địa bàn dẫn đến chồng chéo, không đồng bộ và phân rõ trách nhiệm trong công tác quản lý. Việc phân tách riêng tiền điện cho các trạm đèn chung “vừa cấp nguồn cho lưới điện CSCC đường phố và ngõ xóm” sẽ phát sinh 1 khoản kinh phí rất lớn để tách riêng nguồn cấp cho lưới điện CSCC đường phố và ngõ xóm của các trạm đèn chung này và phát sinh chi phí quản lý cho các tủ chiếu sáng tăng thêm do công tác tách nguồn.

Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm khi triển khai phân cấp công tác quản lý CSCC cần phải có quy định và ban hành các cơ chế đồng bộ theo các nguyên tắc sau: Đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ cao trong công tác đầu tư xây dựng và quản lý duy tu, duy trì; Thuận lợi cho việc triển khai ứng dụng công nghệ mới trong công tác điều khiển tập trung hệ thống CSCC; Kiểm soát được tốt hơn chất lượng các công trình CSCC xây dựng mới và đưa vào khai thác sử dụng; Thuận lợi trong công tác đấu thầu lựa chọn các nhà thầu quản lý vận hành CSCC.

Công tác thanh toán chi phí điện năng tiêu thụ của hệ thống CSCC với các công ty điện lực được thực hiện nhanh chóng. Đảm bảo việc sửa chữa, thay bóng đèn cháy hỏng nhanh chóng theo đúng quy định. Tăng cường trách nhiệm của các chủ đầu tư trong việc đảm bảo chất lượng hệ thống CSCC khi triển khai các dự án đầu tư xây dựng theo phân cấp.

Sử dụng các thiết bị, công nghệ thông minh tiết kiệm năng lượng

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và nhu cầu đáp ứng đô thị thông minh, xu hướng xây dựng hệ thống CSCC theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững sẽ phải ứng dụng các thành tựu mới nhất về IoT (Internet of Things) và trí tuệ nhân tạo (AL). Cụ thể là: Đèn chiếu sáng LED, bộ điều khiển tự động có kết nối với trung tâm, IoT-mạng lưới thiết bị kết nối internet (Cảm biến thông minh, camera giao thông, biển báo giao thông, các thông số môi trường…); Kết hợp sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió…) được thiết kế để có hiệu quả tiết kiệm năng lượng.

Việc sử dụng các thiết bị, công nghệ thông minh tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực CSCC là xu hướng phát triển tất yếu. Tuy nhiên, để trong quá trình thực hiện đầu tư, cải tạo hệ thống CSCC hiện có của Thành phố Hà nội cần phải đáp ứng được các quy định và yêu cầu sau:

Thay thế hệ thống đèn chiếu sáng thông thường không tiết kiệm điện bằng đèn chiếu sáng LED có công suất phù hợp, đảm bảo độ sáng đáp ứng theo quy chuẩn Việt Nam về CSCC và các tiêu chí do Thành phố ban hành. Để đảm bảo hiệu quả cần tiến hành phân kỳ thay thế theo hướng ưu tiên thay thế các bộ đèn có công suất tiêu thụ lớn, thay đèn trên các tuyến đường vành đai, các tuyến đường hướng tâm, trung tâm Thành phố trước. Đồng thời phối hợp với các đơn vị điện lực, viễn thông thực hiện thay thế cột cũ, hạ ngầm hệ thống cáp chiếu sáng đi nổi để đảm bảo mỹ quan đô thị.

Xây dựng hệ thống hạ tầng và nền tảng cho IoT nhằm kết nối được thông tin dữ liệu hệ thống CSCC về trung tâm dữ liệu dịch vụ nền tảng chung của toàn bộ các lĩnh vực, hạ tầng của thành phố. Giúp việc quản lý, điều hành, kiểm soát được đầy đủ và nhanh chóng. Cụ thể, từ Trung tâm điều khiển sẽ kết nối đến tủ điều khiển đặt ngoài hiện trường bằng kết nối internet (4G, 5G), từ đó kiểm soát mọi hoạt động, trạng thái của tủ ngoài hiện trường (tắt/ mở tủ, có kết nối hay mất điện, hoạt động bình thường hay bị sự cố, các thông số hoạt động của tủ: Thời gian tắt/mở, cài đặt lịch hoạt động, dòng áp, công suất tiêu thụ…) mà không cần đến tận nơi để kiểm tra.

Sau đó, để điều khiển hệ thống đèn, Tủ điều khiển sẽ thông qua kết nối không dây để điều khiển đến từng điểm đèn mà tủ quản lý. Các thông tin từ đèn (mất kết nối, đèn tắt, thông số điện áp, dòng điện, điện năng tiêu thụ được gởi về Tủ điều khiển qua kết nối không dây sóng radio hoặc Zigbee/Loran, từ tủ sẽ gửi thông số về lại cho Trung tâm điều khiển, từ đó người dùng có thể xem được báo cáo tình trạng, thông số cần thiết cho công tác quản lý.

Hướng đến việc kết nối các hệ thống hạ tầng trong đô thị là một điều tất yếu vì có thể sử dụng chung nguồn dữ liệu, đưa ra giải pháp toàn diện, tiết kiệm chi phí... Các hệ thống có thể được triển khai trên cột đèn chiếu sáng: Hệ thống camera (CCTV), các cảm biến quan trắc môi trường (nhiệt độ, khói bụi, độ ẩm...), thiết bị thu phát wifi/4G công cộng, màn hình LED thông tin (thời tiết, xe bus, quảng cáo…) hoặc cũng có thể là trạm sạc thiết bị điện (như xe đạp điện…), kết hợp sử dụng năng lượng tái tạo (pin năng lượng mặt trời và năng lượng gió) để cung cấp nguồn cho đèn chiếu sáng và các thiết bị khác được tích hợp trên cột đèn chiếu sáng hoạt động.

Hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật làm cơ sở giám sát và thực thi.

Hướng tới sử dụng các thiết bị, công nghệ thông minh tiết kiệm năng lượng trong CSCC và kết nối với các hệ thống IoT khác của thành phố..

Nâng cao năng lực đơn vị quản lý vận hành CSCC

Quản lý vận hành hệ thống CSCC theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững vẫn là một khái niệm đặc thù và mới mẻ. Trong những năm qua, việc đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong CSCC trên địa bàn Thành phố Hà Nội nâng cao đáng kể hiệu lực quản lý, giảm chi phí nhân công trực tiếp trong quản lý vận hành. Tuy nhiên, với đô thị có hệ thống CSCC lớn và phức tạp như Hà Nội nguy cơ thất thoát tài sản và thất thoát điện năng đặc biệt là trong khu vực ngõ xóm là rất lớn.

Do vậy, đơn vị thực hiện công tác quản lý vận hành CSCC phải có chuyên môn, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ ở mức độ cao vẫn cần phải đầu tư phát triển nguồn nhân lực, xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân quản lý vận hành kết hợp với đầu tư mở rộng các xe chuyên dùng sửa chữa lưới điện giúp đảm bảo công tác quản lý hệ thống CSCC được hiệu quả.

Các doanh nghiệp tham gia hoạt động quản lý vận hành hệ thống CSCC chủ yếu được hình thành từ các đơn vị quản lý vận hành chiếu sáng của Nhà nước được cổ phần hóa. Do vậy, cần sớm thực hiện việc áp dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động để nâng cao tính hiệu quả, tinh giản bộ máy, tiết kiệm chi phí tăng tính cạnh tranh trong kinh doanh và phải có chiến lược định hướng phát triển Hệ thống CSCC hướng tới xanh, hiệu quả và bền vững.

Xây dựng hệ thống công cụ, phần mềm quản lý đáp ứng yêu cầu tra cứu, tìm kiếm, thống kê, công tác kiểm tra giám sát thực hiện công việc… trong công tác quản lý CSCC và đáp ứng theo mục tiêu chuyển đổi số.

Xây dựng hệ thống tiếp nhận thông tin phản ánh sự cố lưới điện từ người dân, đánh giá kết quả thực hiện và đo lường sự hài lòng của chính quyền đô thị và người dân thụ hưởng dịch vụ quản lý CSCC.

Các đô thị có hệ thống CSCC có quy mô lớn, có địa bàn quản lý phức tạp (nhiều ngõ ngách nhỏ, hẹp…) như Hà nội cần duy trì lực lượng công nhân quản lý vận hành tại từng địa bàn, nắm bắt được lưới điện giao quản lý kịp thời khắc phục ngay các sự cố phát sinh trên lưới điện CSCC; Đào tạo lực lượng cán bộ kỹ thuật, công nhân quản lý vận hành có chuyên môn cao sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chuẩn bị và bố trí các xe chuyên dùng trên địa bàn quản lý đảm bảo khắc phục ngay các sự cố, khi có yêu cầu đột xuất của chính quyền, cơ quan quản lý và phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị.

Duy trì kho vật tư, đơn vị cung ứng… kịp thời đáp ứng các chủng loại vật tư (đặc thù, đa dạng) trong công tác duy tu, duy trì lưới điện CSCC.

Là đơn vị đang thực hiện công tác quản lý hệ thống CSCC trên địa bàn 22 quận, huyện của Thành phố Hà Nội, trong những năm qua, Công ty Hapulico đã đào tạo được đội ngũ công nhân quản lý vận hành lành nghề, thông thuộc lưới đèn, gắn bó với địa bàn được giao quản lý mà luôn là đơn vị đi đầu trong việc áp dụng khoa học công nghệ và thực hiện các giải pháp chuyển đổi số trong CSCC như: Hệ thống trung tâm điều khiển ứng dụng công nghệ GSM/3G,4G kết nối trên 70% tủ điều khiển chiếu sáng của thành phố cho phép vận hành hệ thống CSCC một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thời tiết hàng ngày; Đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý CSCC toàn thành phố trên nền bản kỹ thuật số (ứng dụng công nghệ thông tin địa lý GIS), ứng dụng phần mềm Citywork và trang bị các phương tiện cầm tay như máy tính bảng, điện thoại thông minh cho đội ngũ công nhân nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý vận hành; Ứng dụng di động HAPULICO-Smart giúp cho việc kết nối giữa Công ty với người dân đang thụ hưởng dịch vụ CSCC, các cơ quan quản lý Nhà nước, cán bộ đô thị phường xã và chính quyền các địa phương được nhanh chóng, thuận lợi và minh bạch hơn. Và ứng dụng này đã được chia sẻ kết nối với Hệ thống cơ sở dữ liệu của EVN HANOI giúp công tác đối chiếu, thanh toán dữ liệu điện năng tiêu thụ được thực hiện chính xác, nhanh chóng và hiệu quả.

Các giải pháp Hapulico đã triển khai để quản lý vận hành hệ thống CSCC Thành phố Hà nội theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững.

Kết luận, kiến nghị

Bài viết đã tổng hợp, phân tích đánh giá hiện trạng công tác quản lý vận hành hệ thống CSCC mà tiêu biểu là công tác quản lý hệ thống CSCC trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Trong nhiều năm qua, hệ thống CSCC luôn được Thành phố Hà Nội quan tâm đầu tư, quản lý một cách bài bản, có hiệu quả góp phần làm cho bộ mặt Thủ đô ngày càng văn minh hiện đại, cuộc sống người dân được đảm bảo an toàn, an ninh trật tự ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn cần có các chính sách và đầu tư đồng bộ để công tác quản lý vận hành CSCC của Thủ đô phát triển theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững:

Thực hiện phân cấp quản lý cho Thành phố, theo định hướng chiến lược phát triển đô thị thông minh và chiến lược về chuyển đổi và công bằng năng lượng; Hoàn thiện thể chế, chính sách, hành lang pháp lý và quy định, hướng dẫn thực hiện công tác quản lý hệ thống CSCC theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững.

Cơ quan chức năng chuyên môn của Thành phố cần đảm bảo khả năng kiểm tra, kiểm soát từ quy hoạch, đầu tư đến vận hành, bảo trì hệ thống có tính nhất quán cao.

Hoàn thiện công tác phân cấp cho cấp Sở Xây dựng và quận, huyện đảm bảo nguyên tắc đồng bộ, thống nhất và tiết kiệm.

Cần sớm ban hành tiêu chí cụ thể cho CSCC phát triển theo hướng xanh bền vững đồng bộ với các hạ tầng kỹ thuật đô thị khác hướng tới thành phố thông minh.

Cần phải có quy định bắt buộc phải sử dụng các thiết bị xanh và thông minh trong các công trình CSCC lắp đặt mới từng bước thay thế dần các chủ loại thiết bị trên lưới đảm bảo sử dụng các chủng loại đèn có tuổi thọ cao tiết kiệm năng lượng có kết nối với trung tâm và hướng tới sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió…).

Thay thế các chủng loại đèn chiếu sáng công nghệ cũ bằng đèn LED.

Mở rộng kết nối TTĐK cho toàn bộ tủ điện chiếu sáng hiện có. Tiếp tục đầu tư mở rộng điều khiển đến từng đèn trên các tuyến phố. Hệ thống thiết bị điều khiển có tính mở có khả năng mở rộng tích hợp chung vào Trung tâm điều hành thông minh (Smart City) của thành phố trong tương lai.

Để tăng hiệu quả và đảm bảo dùng chung hạ tầng kỹ thuật đô thị của thành phố: Lắp đặt các cột đèn chiếu sáng đa năng cho phép tích hợp các hệ thống IoT khác của thành phố (Cảm biến thông minh, camera giao thông, biển báo giao thông, các thông số môi trường…).

Sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió cấp nguồn cho CSCC.

Đơn vị thực hiện công tác quản lý, duy tu và duy trì CSCC phải có kinh nghiệm và năng lực; Xây dựng phương thức quản lý ứng dụng KHCN và đào tạo được đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân quản lý vận hành thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Link gốc


Theo baoxaydung.com.vn

Share