Lưới điện vươn xa
Cù Lao Đất (tên hành chính là ấp An Bình) là một rẻo đất nằm giữa sông Hàm Luông thuộc xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, cách bờ khoảng 1,5 km. Trước năm 2014, cứ mỗi khi màn đêm buông xuống, cả cù lao chìm trong bóng tối. Nhà nào khá giả mới có điều kiện sắm bình ắc quy, gắn bóng đèn nhỏ thắp sáng cho con em học bài. Còn lại, hơn 200 hộ dân đều phải sử dụng đèn dầu. Cuộc sống vô cùng khó khăn. Từ năm 2014, khi điện lưới quốc gia được kéo về, đời sống người dân nơi đây đã có những đổi thay kỳ diệu. Điện về, cả ấp bừng sáng. Không chỉ thuận lợi hơn trong cuộc sống hằng ngày, điện lưới còn tạo đà cho bà con phát triển kinh tế, nhất là nuôi tôm công nghiệp...
Cù Lao Đất chỉ là một trong hàng nghìn ấp, thôn, buôn, cồn, phụng... ở các xã vùng sâu, vùng xa, hải đảo của 21 tỉnh/thành phố phía Nam... được EVNSPC “thắp sáng” từ năm 1996 đến nay. Ông Nguyễn Phước Đức - Phó Tổng giám đốc EVNSPC cho biết, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương các cấp, thời gian qua, EVNSPC đã thực hiện nhiều công trình, dự án đầu tư đưa điện về nông thôn trên địa bàn 1.270 xã của các tỉnh/thành phố, cấp điện cho hơn 960.000 hộ dân (chưa kể các hộ dân được cấp điện thêm sau khi kết thúc dự án). Đồng thời, xây dựng thành công hệ thống điện lưới quốc gia, đưa điện đến từng thôn (ấp), xã. Từ năm 2000 - 2013, EVNSPC đã tiếp nhận hoàn tất các công trình điện hạ áp trên địa bàn 876 xã, bán điện cho hơn 1,2 triệu hộ dân, đảm bảo cho người dân nông thôn được mua điện đúng giá quy định của Chính phủ, được hưởng đầy đủ các dịch vụ của ngành Điện...
Ngoài ra, EVNSPC còn cấp điện và tiếp nhận lưới điện cũ, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho các huyện đảo như Phú Quốc, Kiên Hải, Lại Sơn (Kiên Giang), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quý (Bình Thuận), Trường Sa (Khánh Hòa)... Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển đảo và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Điện lưới quốc gia đã về nông thôn các tỉnh phía Nam, mở ra nhiều ngành nghề mới, góp phần nâng cao đời sống người dân
|
Vượt muôn vàn gian khó
Với khu vực quản lý trải rộng trên 21 tỉnh, thành phố, địa hình đa dạng, phức tạp, từ núi đồi, hệ thống sông ngòi chằng chịt đến hải đảo xa xôi, việc triển khai các dự án đưa điện về nông thôn của EVNSPC gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khâu vận chuyển vật tư, thiết bị. Ở nhiều nơi, giao thông đường thủy là phổ biến, nhiều vùng thậm chí chưa có đường giao thông chính...
Ông Võ Thanh Khiết - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bến Tre cho biết, ở Bến Tre, có những dự án xà lan và xe không thể tiếp cận vị trí dựng cột. Đơn vị thi công phải bố trí những chiếc thùng phuy nổi trên mặt sông để vận chuyển trụ điện. Đáng nói, trụ điện dài, thẳng trong khi nhiều đoạn kênh, rạch hẹp, uốn cong nên việc vận chuyển cũng lắm gian nan. Công nhân vừa phải di chuyển thùng phi trên sông, vừa phải đứng trên bờ kênh điều khiển, xử lý khi trụ điện bị vướng mắc...
Bên cạnh đó là sự khắc nghiệt của thời tiết trên biển khi thực hiện các dự án đưa điện ra các đảo… Ông Nguyễn Phước Đức chia sẻ, có những dự án, kỹ sư, công nhân phải xây móng cột điện cao hơn 10 m ở mép đảo, vách núi dựng đứng; hay có những thời điểm, đang thi công thì bão, áp thấp nhiệt đới ập đến…
Có thể kể đến, dự án đưa điện lưới quốc gia ra đảo bằng đường dây trên không và cáp ngầm xuyên biển ra các huyện đảo Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang), và các xã đảo Lại Sơn, Hòn Nghệ, Sơn Hải, Hòn Tre (tỉnh Kiên Giang), có đến 40% thời gian thi công phải thực hiện khi sức gió từ cấp 5 trở lên. Dù vậy, Tổng công ty và các nhà thầu đã phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, nỗ lực gấp 3, gấp 4 lần so với những dự án trên đất liền, kịp thời “hóa giải” những khó khăn, vướng mắc, đưa các dự án hoàn thành theo đúng tiến độ và phát huy hiệu quả.
Việc huy động vốn cũng là một khó khăn không nhỏ, do suất đầu tư quá cao, khả năng thu hồi vốn gần như không thể, trong khi nguồn vốn của EVNSPC quá hạn hẹp. Hơn 10 năm qua, cùng với các nguồn vốn được Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND các tỉnh/thành phố bố trí, EVNSPC đã ưu tiên các nguồn vốn tự có, vốn vay thương mại, vốn vay ODA của các tổ chức tài chính nước ngoài... cho các dự án điện khí hóa nông thôn. Ngoài ra, trong quá trình triển khai, Tổng công ty cũng cố gắng tiết kiệm triệt để trong đầu tư, tính toán sao cho với nguồn vốn đó, có thể đầu tư cho nhiều hộ dân.
Theo chỉ đạo của Chính phủ tại Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 (Chương trình 2081), từ nay đến năm 2020, hầu hết các hộ dân nông thôn đều được sử dụng điện. Đáng nói, 0,38% số hộ dân chưa có điện còn lại của EVNSPC đều là những khu vực vùng sâu, vùng xa, suất đầu tư rất lớn; trong khi đó, nguồn ngân sách có hạn, chưa thể bố trí kịp. Do vậy, việc cân đối và tìm kiếm nguồn vốn đang là một thách thức không nhỏ đối với Tổng công ty. Đó là chưa kể, ngoài việc đưa điện đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, EVNSPC còn phải nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn phục vụ cải tạo lưới điện nông thôn trên địa bàn các tỉnh, phấn đấu đạt tiêu chí số 4 về điện theo tiêu chuẩn về nông thôn mới...
Với quyết tâm xóa các “vùng lõm còn trắng điện”, nâng cao chất lượng điện khu vực nông thôn, EVNSPC đang huy động tổng hợp các giải pháp; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc huy động các nguồn vốn. Tuy nhiên, Tổng công ty rất cần sự chung tay, vào cuộc của chính quyền các địa phương cũng như người dân, để hoàn thành tốt công cuộc điện khí hóa, “thắp sáng” phương Nam.
Ông Võ Minh Cầm – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh:
Điện khí hóa nông thôn đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn; đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phục vụ đắc lực cho công cuộc CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh phát triển; đồng thời, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa...
|
Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
Share