Về phía EVN, có sự tham dự của ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn; lãnh đạo các ban chuyên môn và các đơn vị trực thuộc.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, theo lộ trình phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam, bên cạnh các chương trình hiện đại hóa cơ sở hạ tầng lưới điện truyền tải, phân phối, thu thập dữ liệu vận hành hệ thống, thì Chương trình Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đo đếm điện năng là một cấu phần rất quan trọng. Trong đó, Chương trình phát triển công tơ điện tử có chức năng đo xa, tự động truyền số liệu đo đếm về trung tâm xử lý số liệu là một chương trình có ý nghĩa đặc biệt.
Nhờ có hệ thống công tơ điện tử đo xa, các đơn vị điện lực có thể nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu các sai sót chủ quan, nâng cao hiệu quả kinh doanh và quản lý số liệu đo đếm. Khách hàng cũng có thể giám sát lượng điện năng tiêu thụ hàng ngày, thậm chí hàng giờ, vì các công tơ điện tử sẽ ghi số liệu theo chu kỳ 30 phút và tự động cập nhật về cơ sở dữ liệu công khai. Qua đó, góp phần nâng cao tính minh bạch trong công tác kinh doanh, bán lẻ điện, giảm thiểu những thắc mắc về mức tiêu thụ điện.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chủ trì Hội nghị
|
Báo cáo tại Hội nghị, đại diện Ban Kinh doanh EVN cho biết, năm 2015, Tập đoàn đã xây dựng đề án phát triển công tơ điện tử và hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa. Đến nay, Đề án đã hoàn thành nhiều mục tiêu theo các giai đoạn, góp phần đáp ứng vận hành thị trường điện, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả trong quản lý điều hành sản xuất, kinh doanh điện năng, đáp ứng yêu cầu dịch vụ khách hàng.
Cụ thể, đến cuối năm 2017, EVN đã lắp đặt hệ thống đo xa cho 100% điểm đo ranh giới. Tỷ lệ đo xa các công tơ ranh giới giữa các đơn vị nội bộ trong các Tổng công ty Điện lực đạt 100%. Tính đến hết năm 2019, toàn Tập đoàn có 28,07 triệu công tơ bán điện cho khách hàng; trong đó có 14,52 triệu công tơ điện tử (chiếm 51,7%) và 13,55 triệu công tơ cơ khí (chiếm 48,3%).
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho hay, từ 0h ngày 1/9/2020, thị trường điện Việt Nam sẽ chính thức chuyển sang chu kì giao dịch và thanh toán 30 phút. Tất cả các mẫu báo cáo của đơn vị cũng chuyển sang mẫu báo cáo 30 phút. Đây là bước tiến lớn của thị trường điện Việt Nam cũng như công tác vận hành. Để đạt được thành quả này, có sự đóng góp quan trọng trong việc hiện đại hóa hệ thống đo đếm điện tử, truyền số liệu từ xa của EVN.
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, hiện nay, trên cả nước có 144 đơn vị đo kiểm độc lập. Lãnh đạo Tập đoàn kiến nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giúp khách hàng nắm bắt các thông tin về công tác kiểm định, cũng như độ chính xác của công tơ, công tơ điện tử. Đồng thời, Tập đoàn kiến nghị cần thiết phải ban hành một chuẩn giao thức truyền dữ liệu thống nhất, để có thể lắp được các công tơ của các nhà sản xuất khác nhau trong cùng 1 trạm biến áp.
Tại hội nghị này, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đánh giá cao nỗ lực của EVN và các đơn vị trong thời gian qua về công tác hiện đại hóa hệ thống do đếm, đặc biệt là một số đơn vị điển hình như Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội. Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, để đạt mục tiêu đến năm 2025, tỉ lệ công tơ điện tử sẽ đạt 100%, EVN cần xây dựng kế hoạch phát triển công tơ điện tử cụ thể, phù hợp với từng Tổng công ty/Công ty Điện lực.
Thứ trưởng cũng yêu cầu EVN bố trí nguồn lực đầy đủ cho chương trình phát triển công tơ điện tử cho giai đoạn 2021 - 2025; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, thống nhất giao thức truyền dữ liệu chung; phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền để khách hàng sử dụng điện hiểu được những quy trình, quy định trong đo đếm điện năng cũng như lợi ích của công tơ điện tử…
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng khẳng định, phát triển công tơ điện tử sẽ là một trong những nội dung trọng tâm của Ban Chỉ đạo Phát triển lưới điện thông minh trong thời gian tới.
Phan Thảo
Share