Cấp thiết đưa điện lưới quốc gia ra Côn Đảo
Côn Đảo là đảo tiền tiêu, có vị trí đặc biệt quan trọng trong bảo vệ quyền, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; đồng thời, có nhiều ý nghĩa trong lịch sử văn hóa, cách mạng dân tộc. Đề án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã xác định “Côn Đảo là một đảo du lịch đặc sắc, độc đáo có tầm quốc gia và quốc tế”.
Cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội của Côn Đảo, nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng trưởng mạnh. Theo dự báo của Bộ Công Thương, dự kiến đến năm 2035, huyện đảo này cần hơn 90MW và năm 2045 cần hơn 114MW nguồn điện. Tuy nhiên, hiện tại Côn Đảo được cấp nguồn điện diesel có tổng công suất 11.820 kW, chủ yếu đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân và một phần phục vụ kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Do đó, nhu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp điện cho Côn Đảo là rất cấp thiết.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và EVN làm việc về dự án cấp điện cho Côn Đảo, tháng 3/2024. Ảnh: EVNEIC
|
Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 16/6/2023 tại Quyết định 708/QĐ-TTg. Theo đó, với tính chất quan trọng của dự án, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chỉ đạo và hướng dẫn EVN trong việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự án…, bảo đảm an toàn, phát huy tối đa vai trò, hiệu quả đầu tư dự án và phù hợp mục đích truyền tải trong hệ thống điện quốc gia. Chính phủ cũng giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo EVN cân đối, bố trí đủ nguồn vốn và tổ chức thực hiện quản lý đầu tư dự án tuân thủ đúng quy định của pháp luật; giao các Bộ, ngành, địa phương phối hợp triển khai dự án.
Đối với EVN, Thủ tướng giao Tập đoàn nhiều công việc cụ thể, trong đó, chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện, quản lý dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ đề ra. Trên tinh thần đó, EVN đã tích cực chủ động phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện những thủ tục cần thiết theo quy định để thúc đẩy dự án.
Tới ngày 4/7/2024, Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành Quyết định số 86/QĐ-HĐTV phê duyệt Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Dự án). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 4.923 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và vốn tự có của EVN; dự kiến sẽ đóng điện công trình vào quý 4/2025. Mục tiêu của Dự án là cung cấp điện ổn định và an toàn cho lưới điện trên đảo Côn Đảo, đáp ứng các mục tiêu phát triển của huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và bảo đảm an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo quốc gia.
Vượt khó đưa điện ra đảo
Thời gian thi công Dự án chỉ còn khoảng 18 tháng, trong khi khối lượng công việc rất lớn đòi hỏi nỗ lực rất lớn của Ban Quản lý dự án Điện 3 (EVNPMB3) - đơn vị được EVN giao làm đại diện chủ đầu tư, và các đơn vị liên quan.
Cụ thể, Dự án sẽ triển khai các hạng mục, công trình như: xây dựng đường dây 110kV trên không; thi công cáp ngầm 110kV vượt biển; thi công cáp ngầm trên đảo; xây Trạm biến áp GIS 110kV trên đảo…Trong đó, đáng chú ý là phần đầu tư xây dựng ngầm 110kV vượt biển với chiều dài tuyến 77,7km, cáp ngầm trên đảo khoảng 8,5km.
Để triển khai khối lượng công việc lớn và khó trong dự án đặc biệt này, EVNPMB3 đã tích cực phối hợp cùng tư vấn, các đơn vị liên quan để chuẩn bị tốt các các công việc liên quan thiết kế kỹ thuật, kế hoạch tổng thể dự án; lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đảm bảo đáp ứng tốt nhất các yêu cầu thi công đặc thù của Dự án.
Lãnh đạo Bộ Công Thương và đoàn công tác EVN khảo sát địa điểm thi công Dự án tại tỉnh Sóc Trăng, tháng 3/2024. Ảnh: EVNEIC
|
Bên cạnh đó, để chuẩn bị nguồn nhân lực cho dự án theo tiêu chí “bám việc”, “bám công trường”, EVNPMB3 đã thành lập Ban điều hành Dự án, bố trí nhân lực ứng trực tại 2 tỉnh Dự án địa qua (Sóc Trăng, Bà Rịa – Vũng Tàu), đảm bảo triển khai kịp thời, hiệu quả các công việc.
Thực tế, việc cấp điện từ lưới điện quốc gia bằng tuyến cáp ngầm vượt biển có ưu điểm đáp ứng tiêu chí cung cấp điện liên tục, ổn định và lâu dài theo nhu cầu phụ tải cực đại trên đảo trong từng giai đoạn phát triển. Việc xây dựng cáp ngầm cũng sẽ chiếm ít diện tích đất trên đảo; không ảnh hưởng nhiều đến các khu vực dân cư, quy hoạch chung trên đảo; không gây tác động xấu đến môi trường và cảnh quan xung quanh. Tuy nhiên, cùng với các ưu điểm đó, EVN/EVNPMB3 cũng đã lường trước việc kéo cáp ngầm vượt biển sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là khi thời gian thi công phải trải qua hai mùa biển động (từ tháng 10 tới tháng 3 năm sau). Đối với phần cáp ngầm trên đảo, việc xây dựng phải đáp ứng những yêu cầu vô cùng khắt khe để đảm bảo không ảnh hưởng Vườn Quốc gia Côn Đảo.
Trong thời gian qua, EVN/EVNPMB3 đã có nhiều hoạt động khảo sát, xúc tiến dự án và nhận được sự ủng hộ từ các Bộ, ngành, địa phương. Với công tác chuẩn bị triển khai dự án đã được làm kỹ, EVN/EVNPMB3 đã sẵn sàng “tăng tốc” để phấn đấu đưa Dự án về đích đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng; kịp thời đưa điện lưới quốc gia đến với Côn Đảo.
Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu:
- Chủ đầu tư: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
- Đại diện chủ đầu tư: Ban Quản lý dự án Điện 3 (EVNPMB3)
- Tổng mức đầu tư của dự án: 4.923,51 đồng; trong đó: vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương khoảng 2.526,16 tỷ đồng; phần còn lại là vốn tự có của EVN.
- Các mốc tiến độ chính:
+ Phê duyệt Dự án: Tháng 7/2024;
+ Đóng điện công trình: Quý IV/2025;
+ Kết thúc đầu tư, hoàn thành quyết toán: Năm 2026.
- Quy mô đầu tư xây dựng Dự án:
+ Mở rộng 01 ngăn lộ đường dây 110 kV tại TBA 220 kV Vĩnh Châu;
+ Xây dựng đường dây trên không 110 kV 01 mạch, từ ngăn mở rộng 110kV tại TBA 220 kV Vĩnh Châu đến điểm chuyển tiếp xuống cáp ngầm (ĐDK/CN), chiều dài tuyến khoảng 17,5 km;
+ Xây dựng cáp ngầm biển 110 kV 01 mạch, từ điểm chuyển tiếp xuống cáp ngầm đến điểm tiếp bờ ở Côn Đảo, chiều dài tuyến khoảng 77,7 km;
+ Xây dựng cáp ngầm đất 110 kV 01 mạch, từ điểm tiếp bờ ở Côn Đảo tới thanh cái 110 kV TBA GIS Côn Đảo, chiều dài tuyến khoảng 8,5 km;
+ Xây dựng mới TBA 110 kV GIS Côn Đảo, quy mô 2x63 MVA (giai đoạn này lắp 01 máy 63 MVA, dự phòng vị trí lắp máy còn lại trong tương lai).
|
Phạm Ngọc
Share