Tuy nhiên, một số nghiên cứu đầu tiên của ông Christopher Littlefield, được xuất bản với tựa đề What To Do When Praise Makes You Uncomfortable (Tạm dịch: Phải làm gì khi lời khen ngợi khiến bạn không thoải mái) tiết lộ rằng, có 88% cho rằng việc được đánh giá cao chính là được công nhận song cũng có tới 70% cảm thấy bối rối hoặc khó chịu với cả việc cho và nhận lời khen.
Ảnh minh họa.
|
Mặc dù lời khen là một trải nghiệm tích cực và hầu hết trường hợp chúng đều như vậy, nhưng trong quá trình nghiên cứu của mình, ông Christopher nhận thấy việc cho và nhận lời khen thường gây ra nhiều lo lắng cho những người có liên quan.
Theo đó, những người cho đi lời khen thường lo lắng về việc bản thân bị coi là một kẻ nịnh bợ, lời khen của họ bị hiểu sai hoặc gây ra sự ghen tị với đồng nghiệp khác. Ở phía nhận lời khen, mọi người cảm thấy họ không xứng đáng, hoài nghi về ý nghĩa thực sự đằng sau lời khen hoặc lo lắng mình sẽ không thể tiếp tục làm tốt được.
Theo Christopher, có những phương pháp cho và nhận lời khen giúp vượt qua rào cản vô hình này và làm cho trải nghiệm giữa các cá nhân trở nên thoải mái cũng như xây dựng được lòng tin hơn trong mọi người. Mặc dù nghe có vẻ ngược đời, nhưng để có thể khen ngợi ai đó, trước tiên chúng ta phải biết cách tiếp nhận đã.
Làm thế nào để tiếp nhận một lời khen?
Khi sếp hoặc đồng nghiệp dành tặng cho bạn một lời khen, đôi khi bạn cảm thấy bối rối vì không biết phải trả lời thế nào. Mặc dù phản ứng của chúng ta đối với lời khen có thể phức tạp, nhưng cách chúng ta đáp lại thì không.
Khi ai đó khen ngợi bạn, họ thực sự đang công nhận những gì bạn đã làm được và đã tác động đến kết quả như thế nào. Không quan trọng bạn đồng ý với những gì họ đang nói hay không, bạn chỉ cần coi nó như một món quà và chấp nhận nó. Cách tốt nhất để đáp lại những lời khen từ sếp hoặc đồng nghiệp là chỉ cần nói "Cảm ơn" và nếu lời khen tạo ra tác động, hãy cho người đó biết.
Nếu bạn nhận thấy mình đang cố gắng giải thích một cách vụng về lý do tại sao bạn không xứng đáng với lời khen đó, hãy nói: "Tôi sẽ cố gắng để xứng đáng với lời khen. Cảm ơn".
Dưới đây là một số cách để đáp lại lời khen:
- "Cảm ơn, tôi thật vui khi được nghe điều đó".
- "Tôi thực sự đã suy nghĩ rất nhiều về điều này, cảm ơn vì đã quan tâm đến tôi".
- "Cảm ơn, tôi thực sự đánh giá cao việc bạn dành thời gian để bày tỏ về điều đó với tôi"
- "Cảm ơn, tôi rất vui khi biết bạn cảm thấy như vậy!".
Nếu người đó khen nhầm bạn, hãy chuyển lời khen đến đúng người:
- "Thật tuyệt khi biết rằng bạn cảm thấy như vậy! Thực ra, A mới là người đứng sau dự án này. Nếu bạn khen ngợi cô ấy một chút sẽ thật tuyệt vời đấy".
- "Tôi rất muốn được công nhận, nhưng B mới là người chịu trách nhiệm chính cho việc này. Tôi sẽ chuyển lời khen của bạn cho B".
Nếu ai đó khen bạn vì điều gì đó, nhưng đó thực ra lại là nỗ lực của cả nhóm, hãy bày tỏ sự cảm mến của bạn. Nếu bạn là trưởng nhóm, rất có thể người đó đang công nhận vai trò lãnh đạo của bạn, vì vậy hãy hãy thừa nhận những nỗ lực của nhóm bạn:
"Cảm ơn vì đã quan tâm đến nhóm của tôi, thật tuyệt khi được nghe về điều bạn vừa nói. Mọi người trong nhóm của chúng tôi đã làm việc rất chăm chỉ trong vài tuần qua. Tôi sẽ chuyển lời của bạn đến các thành viên trong cuộc họp tiếp theo".
Điều quan trọng cần ghi nhớ là phản ứng theo thói quen của chúng ta đối với lời khen đã được hình thành từ rất lâu và chúng ta sẽ cần nỗ lực, luyện tập hàng ngày để thay đổi. Hãy chú ý đến cách bạn và những người khác phản ứng với lời khen ngay bây giờ và thử áp dụng một số phản hồi mẫu ở trên. Sau một vài tuần, bạn có thể thấy rằng chỉ nói "Cảm ơn!" khi được khen không hề khó đến thế.
Link gốc
Theo https://cafebiz.vn/
Share