Bản thân những người thợ điện Việt Nam có trình độ, có kiến thức xã hội nhất định, nên có khả năng nhận thức thời cuộc, tiếp thu được lý tưởng cách mạng do những người đảng viên Cộng sản hoặc cán bộ Công hội đỏ tuyên truyền và giác ngộ. Vì vậy, các cơ sở điện lực trong thời kỳ Pháp thuộc đều sớm trở thành những cơ sở cách mạng, nhiều người trở thành đoàn viên của công đoàn, thành viên các hội ái hữu, các tổ chức cơ sở đảng…
Nhiều tài liệu lịch sử của các nhà máy điện, các công ty điện lực trong ngành Điện Việt Nam ngày nay còn ghi lại quá trình đấu tranh oanh liệt của các thế hệ cha ông đối với bọn thực dân đế quốc thống trị và bọn chủ nhà máy, đòi quyền tự do dân chủ và tham gia vào các cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Nhiều người trong số họ trở thành những chiến sĩ cách mạng, những cán bộ đảng, cán bộ công đoàn chủ chốt, có uy tín lớn trong giai cấp công nhân lao động như Nguyễn Đức Cảnh, Lê Hồng Phong, Lê Thanh Nghị, Hoàng Văn Đoài… Nhiều chi bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội (1925), Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương (trước năm 1930), Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), Tổ chức Công hội đỏ Bắc Kỳ (1929)… đã xuất hiện rất sớm tại các nhà máy điện ở cả 3 miền trong thời kỳ Pháp thuộc.
Trong giai đoạn này, trên cả nước liên tục nổ ra các cuộc biểu tình, đình công của công nhân lao động, đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện điều kiện lao động, chống đối xử thô bạo của giới chủ… Dần dần, những cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ có tính tự phát đã trở thành những cuộc đấu tranh mang tính giai cấp, đấu tranh chính trị, tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân, dưới sự lãnh đạo của giai cấp Công - Nông liên minh, tiến tới thực hiện thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945, mở ra 1 kỷ nguyên mới cho đất nước, kỷ nguyên độc lập dân tộc, xây dựng nền độc lập dân chủ và tự do, thiết lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tự vệ Nhà máy điện Việt Trì bám sát trận địa sẵn sàng đánh trả máy bay Mỹ để bảo vệ dòng điện thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1967
|
Những ngày Tổng khởi nghĩa năm 1945, công nhân các nhà máy điện đều là lực lượng nòng cốt cùng nhân dân cả nước đứng lên giành chính quyền từ tay Pháp, Nhật. Nhiều nhà máy điện có lực lượng tự vệ vũ trang tham gia cùng tổ chức Việt Minh vận động nhân dân tổng khởi nghĩa cướp chính quyền.
Từ ngày 23/9/1945, khi Thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ, đến ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, công nhân tự vệ Nhà máy đèn Bờ Hồ (Hà Nội), công nhân điện tại Huế, Sài Gòn, Đà Nẵng… đã tham gia chiến đấu chống Thực dân Pháp, biến nhà máy thành pháo đài, giành giật với quân thù từng tấc đất trước khi rút về căn cứ kháng chiến. Nhiều nhà máy điện bị phá hủy, nhiều thiết bị được công nhân - tự vệ tháo dỡ đưa về chiến khu. Nhiều công nhân điện đã tham gia vào quân đội chiến đấu trên các chiến trường Nam, Bắc, hoặc ở lại bí mật hoạt động trong lòng địch. Nhiều công nhân điện đã ngã xuống trong những ngày đầu cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống Thực dân Pháp.
Trong hai thập kỷ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với nhân dân miền Bắc, CBCNV ngành Điện song hành thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là vừa chiến đấu chống Mỹ cứu nước, vừa xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH ở miền Bắc. Dù thời chiến hay thời bình, điện năng luôn là nguồn năng lượng không thể thiếu của đất nước. Vì vậy, với dã tâm của kẻ thù xâm lược, các nhà máy điện, các trạm biến thế và các đường dây huyết mạch của hệ thống điện miền Bắc là những mục tiêu trọng điểm bắn phá hủy diệt của máy bay Mỹ. Tuy nhiên, có một điều mà người Mỹ không thể ngờ được khi tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, đó là chính những mục tiêu mà máy bay Mỹ muốn hủy diệt lại trở thành những pháo đài vô cùng kiên cố chống lại kẻ thù không chỉ bằng vũ khí quân sự thông thường, mà bằng cả vũ khí “tinh thần”.
Năm 1964, Đế quốc Mỹ sử dụng lực lượng không quân và hải quân "leo thang" đánh phá các mục tiêu quân sự, kinh tế, giao thông… ở miền Bắc, trong đó trọng điểm là các nhà máy điện nhằm làm tê liệt mọi hoạt động của miền Bắc, đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá. Lúc này, ngành Điện phải chuyển hướng chiến lược, vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ nguồn điện. Khẩu hiệu hành động là "Một công nhân điện là một chiến sỹ kiên cường trong sản xuất và trong chiến đấu bảo vệ nguồn điện của Tổ quốc".
Từ tháng 4/1965 cho đến ngày 21/12/1972, ngành Điện Việt Nam đứng trước những thử thách vô cùng khắc nghiệt, quyết định sự sống còn của một ngành công nghiệp quan trọng của Tổ quốc. Các nhà máy điện như Yên Phụ (Hà Nội), Hàm Rồng (Thanh Hóa), Uông Bí (Quảng Ninh), Việt Trì (Phú Thọ), Cửa Cấm - Thượng Lý (Hải Phòng), Thái Nguyên hay Vinh (Nghệ An) v.v... đã phải oằn mình những trận ném bom mang tính hủy diệt của máy bay Mỹ và gánh chịu những tổn thất không nhỏ, trong đó có cả sự hy sinh xương máu của bộ đội và các chiến sĩ tự vệ là công nhân điện, những người luôn chắc tay súng, vững tay búa, vừa lao động sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu bắn trả máy bay Mỹ.
Toàn cảnh nhà máy điện Uông Bí bị tàn phá nặng nề sau trận ném bom Lade của Mỹ năm 1965
|
Trong khói bom mịt mù, trong tiếng gầm rú xé trời của máy bay Mỹ, CBCNV ngành Điện vẫn bình tĩnh kiên cường, dũng cảm, thao tác chính xác, giữ vững nguồn điện. Nhiều công nhân - chiến sỹ đã ngã xuống trên trận địa pháo, trong gian lò máy, bên cạnh các trạm biến áp. Nhiều công nhân điện bị thương, nhưng vẫn không rời vị trí công tác. Trong đống đổ nát sau mỗi trận bom Mỹ, các đội cảm tử phá bom đã dũng cảm lao vào công việc. Có những nữ công nhân điện đã dũng cảm xung phong xử lý những quả bom chưa nổ, đảm bảo an toàn cho nhà máy. Nhiều công nhân điện đã được kết nạp Đảng ngay sau những cuộc ném bom đánh phá của máy bay Mỹ vì đã dũng cảm hy sinh bảo vệ nhà máy, bảo vệ nguồn điện.
Những trận oanh tạc của máy bay Mỹ đã gây tổn thất nặng nề cả về cơ sở vật chất và con người của ngành Điện. Tuy nhiên, với ý chí kiên cường, sự sáng tạo, lòng kiên trì trong lao động và chiến đấu, dứt tiếng bom, CBCNV ngành Điện lại khẩn trương bắt tay vào phục hồi, sửa chữa nguồn và lưới điện, sớm đưa dòng điện trở lại phục vụ cho sản xuất và một phần đời sống nhân dân.
Trong cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường này, đã có hàng trăm cán bộ và công nhân điện hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời; hàng trăm liệt sĩ khác ra đi từ ngành Điện, đã tham gia lực lượng vũ trang, chiến đấu ở các chiến trường trên cả nước...
Gần 50 năm đã trôi qua, trong ký ức của những người đồng chí, đồng nghiệp, đồng đội vẫn không thể nào quên những ngày đau thương, nhưng rất hào hùng đó, không thể nào quên những đồng đội đã ngã xuống cho dòng điện của đất nước không bao giờ tắt. Những chiến sỹ, liệt sỹ, thương binh ngành Điện đã viết lên bản anh hùng ca của những người thợ điện kiên cường bất khuất trong bản giao hưởng chiến thắng, ngợi ca sự chiến đấu anh dũng và sự hy sinh cao cả của người thợ điện Việt Nam. Đó là những liệt sĩ xuất thân từ những cán bộ, nhân viên hay công nhân làm việc trong các nhà máy, các đơn vị truyền tải hay các cơ quan khác của ngành Điện đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bám lò, bám tuyến, bám trận địa giữa bom đạn của cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Đế quốc Mỹ và trên khắp các chiến trường khác trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Nguồn: Sách “Tim có thể ngừng đập, điện không thể tắt...”
Share