Trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc, đôi bờ Hiền Lương (cầu bắc qua sông Bến Hải thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã trở thành "nhân chứng lịch sử" chứng kiến bao chuyện đặc biệt trong khoảng thời gian đôi bờ chia cắt. Theo quy định của Hiệp định Giơnevơ, tất cả các đồn cảnh sát giới tuyến phải treo cờ hàng ngày. Treo cờ là chuyện bình thường, song "chọi cờ" mới là chuyện "quốc gia đại sự". Thời điểm bấy giờ hai cột cờ ở hai đầu cầu giới tuyến là cuộc đọ sức đầu tiên của ta và địch ở khu phi quân sự. Bên này cột cao hơn thì bên kia lại nâng cao thêm một vài mét, bên này cờ to hơn thì bên kia phải làm cờ to hơn nữa.
Mẹ Trần Thị Viễn (phải) cùng chị dâu và các chiến sĩ công an giới tuyến vá cờ dưới mưa bom, bão đạn (Ảnh tư liệu)
|
Lần theo nguồn sử liệu, trong những năm kháng chiến chống Pháp, hai bên bờ sông Bến Hải đã diễn ra những đợt “chọi cờ”, các chiến sĩ của ta làm cột cờ bằng một cây phi lao có chiều cao 12m và treo cờ Tổ quốc khổ 3,2m x 4,8m. Khi lá cờ của ta tung bay làm nức lòng đồng bào hai miền thì Pháp cắm cờ tam tài lên nóc lô cốt Xuân Hòa ở bờ Nam cao 15m. Thực hiện mong muốn của đồng bào “Cờ ta phải cao hơn, đẹp hơn cờ địch” nên các chiến sĩ ta lặn lội vào rừng sâu tìm được cây gỗ cao 18m về thay cột cờ cũ, trên đỉnh treo lá cờ 24m2.
Sau 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Ở miền Nam, đế quốc Mỹ ra sức thực hiện ý đồ độc chiếm miền Nam, ép Pháp đưa Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng Chính phủ bù nhìn miền Nam Việt Nam. Dòng sông Bến Hải rộng không quá 100 mét lại tiếp tục “chứng kiến” những trận “chọi cờ” ác liệt, những cuộc đấu trí, đấu lý gay gắt giữ ta và Mỹ bên lề giới tuyến 17.
Hốt hoảng trước cảnh đồng bào miền Nam thường tổ chức chào cờ Tổ quốc mỗi khi đi làm đồng hoặc lên nương rẫy, Ngô Đình Diệm cho dựng trụ cờ bằng xi măng cốt thép cao 30m tại bờ Nam và trên đỉnh cho treo một lá cờ ba sọc cỡ lớn, có hệ thống đèn neon nhấp nháy đủ màu để thách đố. Chúng còn dùng loa chõ sang bờ Bắc khiêu khích suốt đêm ngày. Được Trung ương giúp đỡ, tháng 7/1959, ta đã dựng được cột cờ bằng ống thép cao 34,5m. Trên đỉnh gắn một ngôi sao vàng 5 cánh bằng đồng có đường kính 1,2m. Trên 5 đỉnh ngôi sao đều gắn những chùm bóng điện loại 500 W (15 bóng) với lá cờ 108m2. Khi lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên cao vút nhuộm đỏ bừng sáng cả một vùng trời, đồng bào ở bờ Bắc ngưng mọi việc đồng áng vui mừng reo hò, đồng bào bờ Nam thì sung sướng đến chảy nước mắt. Lá cờ Tổ quốc ở đầu cầu giới tuyến tung bay trong niềm vui sướng, tự hào của bà con đôi bờ.
Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã tìm mọi cách phá hoại cột cờ của Việt Nam Dân chủ cộng hòa (Ảnh tư liệu)
|
Ngụy quyền Sài Gòn quá bất ngờ trước sự kiện này, vội vàng tôn cột cờ lên 35m và lên giọng mỉa mai: “Bắc Việt muốn “chọi cờ” nhưng chọi sao nổi với quốc gia”. Đáp lại lòng mong mỏi của đồng bào ta, Chính phủ đã điều một đơn vị xây dựng chở vật liệu từ Hà Nội vào xây dựng lại cột cờ cao 38,6m, treo lá cờ đại 134m2, nặng 15kg. Để phục vụ cuộc đấu tranh chính trị ở hai đầu giới tuyến và dọc bờ sông Bến Hải trong năm 1956-1957, công nhân Tổ đường dây Nhà máy điện Vĩnh Linh đã dùng 500 bóng đèn kết thành 4 dây treo lên đỉnh cột cờ cao 38,6m. Họ đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, duy trì đủ 500 ngọn đèn và giữ cho ánh sáng cột cờ không bao giờ tắt. Cột cờ như một biểu tượng của tinh thần bất khuất, kiên trung của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vẫy gọi nhân dân miền Nam giữ vững niềm tin và hi vọng vào một ngày độc lập, Bắc - Nam sum họp một nhà. Lá cờ đỏ sao vàng như sự hiện diện thường xuyên của miền Bắc XHCN ngay sát bên cạnh miền Nam đang kiên cường đấu tranh với Mỹ - Diệm.
Hôm nay, đứng trên cầu Hiền Lương lộng gió, mọi vật đã đổi thay, nhưng câu chuyện về lá cờ được thắp sáng trên bầu trời giới tuyến sẽ còn vang vọng mãi đến mai sau.
Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
Share