Theo báo cáo công bố của nhóm nghiên cứu Ember (Anh), nguồn năng lượng tái tạo tại EU, trong đó có điện gió và điện mặt trời, đang phát triển mạnh mẽ.
Theo Ember, ngành năng lượng của EU có sự thay đổi đáng kể từ năm 2019 do các chính sách về khí hậu và nỗ lực chung nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga.
Thực tế năm 2021, năng lượng mặt trời chỉ chiếm 6% điện năng tiêu thụ của các quốc gia EU. Từ khi Nga cắt nguồn cung khí đốt để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan cuộc chiến Ukraine, cuộc khủng hoảng năng lượng là cơ hội tốt để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang đầu tư phát triển các nguồn năng lượng sạch.
Trong đó năng lượng mặt trời trở thành nguồn năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhất và giúp tiết kiệm hàng tỷ euro nhập khẩu khí đốt. Bên cạnh đó, những tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc có giá thành thấp cũng góp phần thúc đẩy châu Âu đẩy nhanh quá trình phát triển năng lượng mặt trời để thay thế nhiên liệu hóa thạch.
Công suất điện mặt trời tăng mạnh. Ảnh: BB
|
Theo báo cáo, hơn 1/4 tổng lượng điện của EU là điện gió và điện mặt trời. Điện mặt trời có sự tăng trưởng mạnh mẽ với công suất gấp đôi từ 2019-2023, đạt 257 GW vào năm ngoái, tương đương với việc lắp đặt hơn 230.000 mô-đun năng lượng mặt trời mỗi ngày trong 4 năm.
Trong khi đó, công suất điện từ các nguồn than đá và khí đốt giảm, tỷ trọng các nguồn từ nhiên liệu hóa thạch từ 39% xuống 32,5%.
Bà Sarah Brown, Giám đốc Chương trình châu Âu của Ember, cho biết, công suất điện gió và điện mặt trời ở EU hiện tăng mạnh chưa từng có, đưa công suất điện từ than đá và khí đốt giảm xuống mức thấp kỷ lục. EU đang trong quá trình chuyển đổi lâu dài từ việc phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện.
Ủy ban châu Âu (EC) đặt mục tiêu các nguồn năng lượng tái tạo chiếm 45% tổng các nguồn năng lượng của EU vào năm 2030.
Mới đây, đại diện 23 quốc gia thành viên EU, Ủy ban châu Âu (EC) và các doanh nghiệp ngành công nghiệp điện mặt trời châu Âu đã ký một bản “Hiến chương điện mặt trời”, cam kết về việc chuyển đổi sang nguồn năng lượng tái tạo, hướng tới việc giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn cung từ các quốc gia ngoài khối và tăng cường sức cạnh tranh bền vững.
Trong báo cáo về an ninh năng lượng châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo các nước châu Âu sẽ có thể từ bỏ hoàn toàn nguồn năng lượng từ Nga vào năm 2030.
Năng lượng tái tạo phát triển mạnh ở châu Âu. Ảnh: EG
|
Khắp nơi điện mặt trời và điện gió
Hiện Đức đi đầu trong quá trình chuyển đổi này. Một cuộc thăm dò, do Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng và Nước của Đức thực hiện, cho thấy phần lớn các hộ gia đình tin rằng sự thay đổi này củng cố vị thế kinh tế của châu Âu.
Đức đóng góp chiếm 22% mức tăng trưởng công suất năng lượng mặt trời và gió của EU, Tây Ban Nha đứng thứ hai với 13% thị phần. Hơn một nửa số quốc gia thành viên EU đã tăng ít nhất gấp đôi công suất năng lượng gió và mặt trời trong những năm gần đây.
Tại Hà Lan, chính phủ có chính sách hỗ trợ những hộ gia đình làm điện mặt trời mái nhà. Nhờ đó, sản lượng điện trên đầu người tại quốc gia này gấp đôi so với Tây Ban Nha và hơn 3 lần so với ở Trung Quốc.
Ông Matthew Berwind, Giám đốc Dự án Mô hình điện mặt trời kết hợp nông nghiệp tại Viện Hệ thống Năng lượng mặt trời Fraunhofer của Đức, nhận định điện mặt trời đang phát triển bùng nổ ở châu Âu.
Các nhà máy điện mặt trời mọc lên ngày càng nhiều, giúp cung cấp điện năng cho hàng trăm nghìn ngôi nhà. Các tấm pin mặt trời được lắp đặt ở khắp mọi nơi, từ đỉnh các tòa nhà chính phủ đến các cửa hàng tạp hóa, trường học, trang trại.
Theo các chuyên gia, điện gió và điện mặt trời còn nhiều thách thức. Các dự báo gần đây cho rằng, công suất lắp đặt điện mặt trời trong những năm tới ở châu Âu chỉ đáp ứng được chưa đầy một nửa công suất cần thiết. Bên cạnh đó người dân lo ngại về giá thành điện tái tạo thường cao, gây tốn kém với túi tiền của họ.
Một số chuyên gia còn chỉ trích sự phụ thuộc vào các thiết bị và tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc. Ngoài ra, việc triển khai ồ ạt và quy mô lớn các dự án năng lượng mặt trời sẽ ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác và an ninh lương thực.
Link gốc
Theo vietnamnet.vn
Share