Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh: Nhiều giải pháp giảm nhiệt nước làm mát

10:00, 06/12/2016

Dù nguồn nước thải ra từ hệ thống nước làm mát của Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh không gây nguy hại tới môi trường, nhưng do tác động của nhiều nguyên nhân đã khiến nguồn nước nóng hơn so với quy định. Để giảm thiểu tác động này, đơn vị chủ quản đã và đang thực hiện nhiều giải pháp.

Chấp hành nghiêm quy định của nhà nước

Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh có 4 tổ máy với tổng công suất đặt là 1.200 MW do Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (QNT) đầu tư và quản lý vận hành. Nhà máy sử dụng nguồn nước làm mát bình ngưng lấy từ nước mặn ở cửa sông Diễn Vọng - giáp Vịnh Cửa Lục, thông qua hệ thống tuần hoàn hở gồm đường ống xả, hố xả, kênh xả và bể tiêu năng.

Ông Lê Duy Hạnh - Tổng giám đốc QNT cho biết: Trước và trong quá trình xây dựng, vận hành nhà máy, Công ty luôn chấp hành đúng các quy định về bảo vệ môi trường do cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt. Về nguyên lý hoạt động, nước làm mát sử dụng để làm ngưng lượng hơi thoát từ tuabin và cấp nước làm mát cho các tổ máy khi vận hành, sau đó được xả ra đường ống xả qua hệ thống ra sông Diễn Vọng. Trong suốt quá trình này, nước không có bất kỳ tiếp xúc với hóa chất hoặc chất thải nào nên chất lượng nước xả không thay đổi so với nước đầu vào, ngoại trừ nhiệt độ nước tăng khoảng 8oC.

Theo các quy định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và giấy phép xả nước thải vào nguồn nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp thì nước thải làm mát bình ngưng của nhà máy đáp ứng QCVN40:2011/BTNMT cho phép nhiệt độ nước thải sau quá trình vận hành là ≤ 40oC với điều kiện nhiệt độ nước đầu vào không được lớn hơn 33oC.

Thời gian đầu vận hành các tổ máy, thông số nhiệt độ đầu ra của nước luôn đáp ứng tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, gần đây, khi thủy triều xuống thấp và nhiệt độ môi trường tăng cao, nhất là mùa hè, đôi lúc có hiện tượng nhiệt độ nước xả tăng cao so với quy định từ 1 - 5oC (<45oC).

Nước xả của Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh

Nhiều giải pháp giảm nhiệt

Lý giải về nhiệt độ nước tăng, ông Lê Duy Hạnh cho biết, có 3 nguyên nhân vượt tầm kiểm soát của đơn vị gồm: Thứ nhất, kênh dẫn nước làm mát bị bồi lắng, thu hẹp do tình trạng khai thác than đầu nguồn và một cảng tạm xây dựng trái phép chắn ngang dòng chảy. Năm 2013, Công ty đã triển khai nạo vét hơn 206.000m3 để khôi phục hiện trạng thiết kế ban đầu của kênh.

Thứ hai, việc giảm bề mặt thoáng khu vực sông Diễn Vọng và vịnh Cửa Lục làm giảm khả năng trao đổi nhiệt. Vào mùa đông, nền nhiệt trung bình của nước thấp; khi xả vào sông, nước có hiện tượng tăng nhiệt đột biến cục bộ tại khu vực cửa xả. Trong khi đó, vào mùa hè, do biên độ triều lớn hơn và nền nhiệt nước biển cao nên phạm vi truyền và khuếch tán nhiệt rộng hơn.

Thứ ba, yếu tố biến đổi khí hậu gồm nhiệt độ không khí và nước biển, tầng mặt khu vực cửa sông Diễn Vọng, vịnh Cửa Lục. Số liệu quan trắc đo được, nhiệt độ cao nhất vào tháng 7 đạt 34,3 - 35,2oC; tháng 2, nhiệt độ nước biển thấp nhất nhưng vẫn đạt khoảng 17,5 - 18oC.

Để giảm thiểu tác động của nước nóng thải ra, năm 2016, Công ty đã nạo vét, khôi phục hiện trạng kênh ban đầu với khối lượng nạo vét là 110.000 m3 bùn đất; kéo dài cửa nhận nước của kênh dẫn thêm 600 m ra phía sông vịnh Cửa Lục; nắn trả lại dòng suối Lại không đổ vào cửa nhận nước của kênh dẫn mà đổ ra phía hạ lưu của sông Diễn Vọng; lắp đặt hệ thống pha trộn nước, giảm nhiệt độ đầu ra của nước làm mát; đồng thời lập phương án ứng phó linh hoạt trong vận hành khi xảy ra hiện tượng thiếu nước làm mát hoặc khi nhiệt độ nước làm mát xả ra cao hơn 40oC vào những lúc thời tiết nắng nóng và thủy triều xuống thấp.

Cùng với đó, Công ty cũng đã phối hợp với địa phương và ngành Than tăng cường kiểm tra, giám sát việc thay đổi hiện trạng mặt bằng khu vực nhằm hạn chế bùn đất đổ vào kênh dẫn nước làm mát.

Trong năm 2017, Công ty tiếp tục thuê tư vấn xử lý để tăng hiệu suất phát tán nhiệt của nước xả làm mát, giảm nhiệt độ nước tại cửa xả bảo đảm dưới 40oC. Trước khi thực hiện, Công ty sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 


Theo baocongthuong.com.vn

Share