Theo ông Vương Quân Ngọc - Giám đốc tư vấn của FPT Digital, khoảng 70% công cuộc chuyển đổi số bị thất bại, trong đó 40% có nguyên nhân từ văn hóa số và văn hóa con người.
Còn theo ông Nguyễn Tuấn Minh - Giám đốc nhân sự Công ty FPT Software, thực tế tại FPT Software - công ty đang có tốc độ tăng trưởng nóng về nhân sự, nhất là nhân sự trong lĩnh vực Công nghệ thông tin (CNTT), với gần 30 ngàn lập trình viên, kỹ sư làm việc tại Việt Nam và trên toàn cầu. Nhu cầu về nhân lực IT hiện nay là cực kỳ nóng. Sức nóng này đến từ những kỹ năng liên quan đến chuyển đổi số (DX), bao gồm các kỹ năng về nguồn lực liên quan đến công nghệ lõi như Clouds, data, AI, DevOps...
Ảnh minh họa.
|
“Bên cạnh các kỹ sư CNTT tài năng, chúng tôi cũng rất cần các chuyên gia ngành. Bởi vì chúng tôi giúp khách hàng giải quyết vấn đề của họ, đem lại giá trị cho họ nên phải hiểu bài toán của họ. Trong những năm qua, bên cạnh nguồn lực kỹ sư, chúng tôi phải tuyển dụng và xây dựng đội ngũ chuyên gia trong các ngành nghề để cùng đội ngũ CNTT đưa ra các giải pháp tối ưu cho khách hàng. Để bắt đầu chuyển đổi số thì điều đầu tiên mà các doanh nghiệp cần là xây dựng đội ngũ nhân sự số, với nòng cốt là những chuyên gia trong ngành nghề mà công ty đang hoạt động, cùng chuyên gia CNTT, ông Minh nói.
Hoạt động trong lĩnh vực nhân sự, tư vấn và cung cấp nhân sự cho các doanh nghiệp, bà Hồng đồng tình rằng, trong xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay thì nhân lực số là bài toán mà hầu như tất cả các doanh nghiệp đều phải giải quyết, đặc biệt là sự thiếu hụt nguồn nhân lực số trong nhóm quản lý. Chuyển đổi số cần đi từ tổng thể, từ trên xuống, nên nhóm quản lý có vai trò rất quan trọng. Việc họ nhận thức như thế nào về chuyển đổi số sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới phương pháp triển khai và quản lý vận hành sau đó.
“Để giải quyết vấn đề này, then chốt là đào tạo, đa dạng hóa nguồn lực và sử dụng dịch vụ tuyển dụng chuyên nghiệp. Chuyển đổi số trong bối cảnh công nghệ thay đổi rất nhanh như hiện nay, việc đào tạo phải được ưu tiên hàng đầu. Doanh nghiệp cần đa dạng hoá nguồn lực hơn nữa, bằng cách chia nhỏ những phần công việc để đa dạng hơn trong việc tìm kiếm nguồn lực, mở rộng nguồn tìm kiếm ở những phần liên quan đến kỹ năng, kiến thức được chia ra đó. Sử dụng dịch vụ cung cấp nguồn lực từ những nhà cung cấp chuyên nghiệp cũng là một giải pháp”, bà Nguyễn Thị Bích Hồng - Tổng giám đốc HR2B gợi ý.
Ở góc độ một công ty tư vấn chuyển đổi số, ông Lê Hùng Cường - Phó tổng giám đốc Công ty FPT Digital cho biết, chuyển đổi số có ba trụ cột là kinh doanh, công nghệ và con người. Cũng theo ông Cường, tất cả cán bộ công nhân viên, những người tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào quy trình hoạt động của doanh nghiệp đều là thành phần quan trọng trong toàn bộ quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số thành hay bại phụ thuộc vào trụ cột con người, từ khi họ đón nhận chương trình chuyển đổi số tới khi họ tham gia vào quá trình đó. Thường thì ban đầu mọi người đều ngại thay đổi, vì vậy việc đào tạo, truyền thông là rất quan trọng để giúp tất cả các cấp hiểu rõ về chương trình chuyển đổi số, dẫn tới tham gia tích cực và ủng hộ hết mình.
“Có thể không cần những chương trình đào tạo dài hạn, thay vào đó là những khóa đào tạo ngắn hạn để mọi người cùng hiểu về chuyển đổi số một cách tổng quan, hiểu lợi ích đem lại cho doanh nghiệp cũng như lợi ích cho chính mỗi nhân sự trong tổ chức. Tuy nhiên, do khó có thể đào tạo đồng thời hết tất cả các cấp nhân sự vì tốn rất nhiều thời gian, nên việc thứ hai doanh nghiệp cần quan tâm là truyền thông nội bộ, giúp mọi người “thấm” sự thay đổi mà chuyển đổi số mang lại”, ông Cường cho biết.
Cũng theo ông Cường, trong quá trình chuyển đổi, cần phải có những đội nhóm chuyên biệt làm nòng cốt, giúp cho quá trình chuyển đổi có hiệu quả. Và hơn hết, doanh nghiệp cần thiết lập cơ chế để giúp cho việc quản trị sự thay đổi, nhất là quản trị quá trình chuyển đổi con người, tiến tới xây dựng được một nền tảng văn hoá số vững mạnh, đảm bảo cho việc triển khai chương trình chuyển đổi số thành công.
Link gốc
Nguồn: https://doanhnhansaigon.vn/
Share