EVN yêu cầu các NMNĐ phải có khối lượng dự phòng tại các kho than đáp ứng vận hành trong ít nhất 10 ngày..
|
Thiếu nhiên liệu than...
Theo Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2020 do Bộ Công Thương phê duyệt, với tính toán, tần suất thủy văn 65%, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống năm 2020 ước khoảng 261,45 tỷ kWh, tăng khoảng 9% so với năm 2019. Tuy nhiên, thực tế mực nước về các hồ thủy điện thấp hơn tần suất 65%, buộc EVN sẽ phải huy động các nguồn nhiệt điện than, nhiệt điện dầu. Thực tế, gần 10 năm qua, EVN chưa phải huy động đồng loạt tất cả nhà máy nhiệt điện (NMNÐ) than của Tập đoàn đáp ứng vận hành tương đương với công suất tối đa (Tmax) hơn 7.000 giờ/năm. Vì vậy, đây là trách nhiệm nặng nề, với những thách thức không nhỏ cho 12 NMNÐ than của EVN.
Ðảm bảo nhiên liệu than cho phát điện là “bài toán khó” đầu tiên các NMNÐ phải đối mặt. Thiếu than không còn là dự báo, cảnh báo, mà là thực tế nhức nhối, khi tổng nhu cầu than cho phát điện năm 2020 được tính toán ở mức 67 triệu tấn, nhưng tổng sản lượng than khai thác của Tổng công ty (TCT) Ðông Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chỉ đáp ứng được khoảng… một nửa, tức là khoảng 32 - 35 triệu tấn. Việt Nam thiếu hụt hơn 30 triệu tấn than cho phát điện, với nhiều chủng loại bao gồm cả than antraxit và than bitum, sub-bitum. Nhập khẩu than được cho là “lối thoát” duy nhất, tuy nhiên, đây cũng là con đường không đơn giản.
Theo thông tin từ Ban Kỹ thuật - Sản xuất EVN, việc nhập khẩu đặc biệt khó khăn với loại than antraxit, bởi trên thị trường thế giới sản lượng than này chỉ chiếm khoảng 3%. Với than bitum, sub-sbitum, việc nhập khẩu “dễ thở” hơn, do nguồn cung dồi dào hơn.
Ðể gỡ khó “đầu vào”, EVN đã chỉ đạo các Tổng công ty Phát điện, các NMNÐ thực hiện mua than nhập khẩu thông qua đấu thầu quốc tế với các hình thức hợp đồng ngắn hạn, trung hạn để cùng một thời điểm, có nhiều nhà cung cấp than cho 1 nhà máy điện. Ðồng thời, yêu cầu các đơn vị chủ động cung cấp, nhập khẩu than cho phát điện theo kế hoạch trong mùa khô và cả năm; khối lượng dự phòng phải đảm bảo vận hành ít nhất trong 10 ngày. Ðối với TKV và TCT Ðông Bắc, các đơn vị của EVN bàn bạc, thống nhất ký kết hợp đồng cung cấp than dài hạn. Bên cạnh đó, chất lượng than cũng là yếu tố quan trọng. Thực tế cho thấy, các đối tác TKV, TCT Ðông Bắc cung cấp cho các NMNÐ của EVN chủ yếu là loại than trộn. Trong khi đó, hầu hết các nhà máy của EVN được thiết kế vận hành với tiêu chuẩn than Antraxit. Việc thay đổi chất lượng nguồn nhiên liệu kéo theo các vấn đề trong vận hành tin cậy các tổ máy. Ðể giải quyết vấn đề này, Tổng giám đốc EVN Trần Ðình Nhân đã trực tiếp làm việc với các đối tác TKV, TCT Ðông Bắc, yêu cầu đảm bảo các tiêu chuẩn cung cấp than từ phía người bán, hướng tới mục tiêu chung đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Các kỹ sư tuân thủ nghiêm kỷ luật vận hành.
|
Siết chặt kỷ luật vận hành
Ðể đáp ứng yêu cầu vận hành hơn 7.000 giờ (Tmax/năm), các NMNÐ phải đảm bảo độ sẵn sàng, hệ số khả dụng của các tổ máy đạt trên 97%. Tuy nhiên, thực tế, do một số nhà máy điện thiết bị đã cũ, hoặc có nhà máy mới, nhưng thiết bị lại vận hành chưa ổn định. Ðể “gỡ khó”, năm 2019, Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải đã làm việc với từng nhà máy, kiểm tra thực tế vận hành và có các chỉ đạo cụ thể, sát sao. Các nhà máy điện được yêu cầu tập trung giảm sự cố, đặc biệt không để xảy ra tình trạng sự cố lặp lại, hay sự cố lớn phải dừng máy. Tập đoàn cũng đã chỉ đạo thành lập kịp thời các Tổ hiệu chỉnh tại mỗi nhà máy, thực hiện nhiệm vụ giám sát chế độ, tình hình vận hành; kiểm soát chất lượng than đầu vào, từ đó có các điều chỉnh kịp thời trong sản xuất điện, không để xảy ra sự cố.
Tại các NMNÐ, nhiều đơn vị cũng chủ động thực hiện các giải pháp đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy, liên tục các tổ máy. Ðơn cử, tại Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, ông Nguyễn Văn Thú - Giám đốc Công ty cho biết, với hai Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Công ty đều đã lập kế hoạch chi tiết và triển khai kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật theo từng giờ, từng ngày. Ðồng thời, thực hiện mô hình chuyên gia song hành cùng quá trình sản xuất, đảm bảo tính khả dụng của các tổ máy cũng như các thiết bị.
Hay tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, đơn vị đã quán triệt và nâng cao kỷ luật vận hành, tăng cường kiểm tra, giám sát tình trạng vận hành thiết bị, kịp thời phát hiện các hư hỏng, bất thường. Nhà máy thường xuyên thực hiện vệ sinh công nghiệp các khu vực, hệ thống, tránh các bụi than bám dính làm ảnh hưởng đến tuổi thọ thiết bị. NMNÐ Vĩnh Tân 2 cũng phối hợp chặt chẽ với Công ty Dịch vụ sửa chữa các nhà máy điện EVNGENCO 3, sẵn sàng hỗ trợ khắc phục kịp thời các sụ cố của thiết bị, tránh hư hỏng nặng, lan truyền, ảnh hưởng tới sản xuất.
Bên cạnh đó, các NMNÐ đều đã được Trung tâm Ðiều độ Hệ thống điện Quốc gia phân bổ lịch sửa chữa lớn, bảo dưỡng và hoàn thành sửa chữa, bảo dưỡng từ cuối năm 2019. Nhiều nhà máy đã chủ động triển khai giải pháp bảo dưỡng sửa chữa theo độ tin cậy tổ máy (RCM), từ đó rút ngắn thời gian sửa chữa, tăng số giờ vận hành tổ máy cao hơn, hoạt động sản xuất điện có hiệu quả hơn.
Ngoài những nỗ lực của Tập đoàn, EVN kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương chỉ đạo TKV, Tổng công ty Ðông Bắc thực hiện đúng Biểu đồ cung cấp than đã được phê duyệt, ưu tiên than cho phát điện. Ðồng thời, chỉ đạo các NMNÐ than ngoài EVN có phương án đảm bảo nhiên liệu và sẵn sàng đáp ứng việc huy động cao, chung tay thực hiện mục tiêu đảm bảo điện cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
Share