Theo số liệu từ Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS), ngành dệt may trong nước đang đứng trước cơ hội đạt mức kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 44 tỷ USD của năm 2022.
Cơ hội này đến từ sự thuận lợi trong ngắn hạn, khi sức tiêu thụ mặt hàng xơ sợi ở các thị trường xuất khẩu chính đều tăng mạnh hai con số vào đầu năm nay.
Tuy nhiên, nhìn vào ngành dệt may trong dài hạn vẫn còn đó những thách thức cần được giải quyết, liên quan đến quá trình xanh hóa chuỗi sản xuất và phát triển bền vững. Đặc biệt là gần đây, các thị trường lớn như châu Âu và Mỹ đã đặt ra những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn và quy định về môi trường.
Phía FPT Digital cho biết, các số liệu nghiên cứu hiện nay chỉ ra rằng mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang thấp nhất, dù mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu lớn và là ngành chủ lực với tỷ lệ xuất khẩu cao.
Theo chuyên gia tư vấn Nguyễn Thế Phương của FPT Digital, có đến 90% doanh nghiệp trong ngành dệt may hiện nay đang đứng ngoài xu hướng chuyển đổi số.
Trong đó, khó khăn nhất là nguồn vốn để đầu tư vào các giải pháp công nghệ số, triển khai, duy trì công nghệ bởi chi phí rất cao và tính hiệu quả trong hoạt động sản xuất không thể hiện rõ ràng trong một thời gian ngắn.
Bên cạnh đó là những khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán sản xuất, kinh doanh lâu đời; thiếu chuyên gia và thiếu nhân lực có chuyên môn cao để ứng dụng công nghệ số khiến khả năng thành công trong chuyển đổi số lại càng thấp hơn…
Thực tế, chuyển đổi số trong ngành dệt may diễn ra chậm hơn so với các ngành khác do tính chất đặc thù với rất nhiều công đoạn. Không chỉ khó chuyển đổi số, ngành dệt may còn đang đối mặt với bài toán chuyển đổi xanh.
Chuyên gia tư vấn Nguyễn Thế Phương của FPT Digital - Ảnh: VH |
Số liệu từ FPT Digital cho thấy, ngành dệt may Việt Nam đang phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 mỗi năm, là một trong những ngành tác động tiêu cực nhất lên môi trường, chỉ sau ngành sản xuất xi măng, thép.
Việc sử dụng năng lượng tái tạo có thể giúp ngành dệt may tiết kiệm được 1 tỷ USD chi phí điện năng, theo số liệu của Bộ Công thương, IFC, USAID.
Chủ yếu tiêu thụ năng lượng của ngành dệt may đến từ việc vận hành thiết bị. "Chỉ cần tìm ra đúng khâu gây lãng phí năng lượng, doanh nghiệp sẽ có được sơ đồ chi tiết và dùng đúng giải pháp để tiết kiệm năng lượng", phía FPT Digital nhận định.
Hiện tại, các doanh nghiệp trong ngành đang hướng tới một số giải pháp về năng lượng như: điện mặt trời, điện gió, năng lượng sinh học... Nhưng lý tưởng và phù hợp nhất với doanh nghiệp trong nước vẫn là mặt trời, do Việt Nam có lượng bức xạ mặt trời lớn, trung bình khoảng 4-5 kWh/m2/ngày.
Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng để cung cấp điện cho các thiết bị sản xuất, cung cấp hơi nước và nhiệt cho quy trình nhuộm và sấy, áp dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời để chiếu sáng và làm mát nhà xưởng.
Đơn cử như mô hình điện năng lượng mặt trời áp mái tại nhà máy dệt may Thành Công, đặt tại khu công nghiệp Phú Hoà, tỉnh Vĩnh Long đã giúp tạo ra khoảng 48,5 triệu kWh điện, đáp ứng 66% nhu cầu điện sản xuất của doanh nghiệp.
Nhờ đó, doanh nghiệp đã tiết kiệm được 1,9 triệu USD chi phí mua điện, cắt giảm 19.342 tấn than, cùng với đó, hệ thống cũng giúp giảm 44.281 tấn CO2, tương đương với việc trồng hơn 2,6 triệu cây xanh.
Nút thắt của 90% doanh nghiệp dệt may Việt Nam là bài toán chuyển đổi số và chuyển đổi xanh - Ảnh: Hoàng Anh |
Hay hệ thống điện mặt trời của May Sài Gòn 3 được triển khai với quy mô lớn và công nghệ tiên tiến, bao gồm việc sử dụng 2.820 tấm pin năng lượng mặt trời hiệu suất cao.
Việc tự đầu tư vào hệ thống điện mặt trời giúp May Sài Gòn 3 không những giúp công ty tiết kiệm chi phí điện năng trong dài hạn, giảm lượng khí CO2 thải ra môi trường mà còn nâng cao uy tín và hình ảnh của công ty trong mắt đối tác và khách hàng.
Phía FPT Digital lưu ý, để quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo được thuận lợi, các doanh nghiệp phải có một bức tranh rõ ràng về tộng lượng năng lượng mà doanh nghiệp đang sử dụng cũng như dự đoán nhu cầu tăng trưởng trong tương lai.
Theo đó, việc đầu tư ban đầu cho các giải pháp năng lượng tái tạo có thể cao, nhưng cần được cân nhắc kỹ lưỡng với các lợi ích lâu dài về mặt chi phí năng lượng và ảnh hưởng tích cực đến môi trường.
Để tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, doanh nghiệp nên thiết lập hệ thống quản lý năng lượng hiệu quả, bao gồm việc theo dõi và phân tích dữ liệu tiêu thụ năng lượng, điều chỉnh hoạt động sản xuất sao cho phù hợp với khả năng cung cấp năng lượng từ hệ thống điện mặt trời.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên chủ động tìm hiểu kỹ thông tin về các chính sách ưu đãi của Chính phủ liên quan đến chuyển đổi năng lượng, bao gồm các đối tượng được hỗ trợ, mức hỗ trợ, thủ tục hành chính để sớm tiếp cận được nguồn tài chính "xanh" để giảm bớt gánh nặng về chi phí đầu tư ban đầu.
Link gốc
Theo theleader.vn
Share