Tiềm năng lớn
Theo nghiên cứu của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), năng lượng mặt trời ở Việt Nam có tiềm năng lớn với tổng bức xạ trung bình từ 4,3- 5,7 triệu kWh/m² (tương đương khoảng 43,9 tỷ TOE).
Số giờ nắng trong năm tại khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên 2.000- 2.600 giờ, Nam bộ 2.200- 2.500 giờ và cường độ bức xạ mặt trời trung bình 4,9- 5,7 kWh/m²/ngày. Đây chính là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận, sạch để chuyển hóa thành điện, đáp ứng mục tiêu trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh khoảng 850 MW điện mặt trời năm 2020, 4.000 MW năm 2025 và 12.000 MW năm 2030.
Thực tế, điện mặt trời đã được áp dụng tại Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ trước, tuy nhiên quy mô nhỏ lẻ, số dự án lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Giáo sư - Viện sĩ Trần Đình Long- Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam- chia sẻ, ở Việt Nam có thể phát triển điện mặt trời ở cả quy mô công nghiệp (các dự án tập trung, quy mô lớn) và điện mặt trời lắp mái. Thực tế 2 mô hình đã được triển khai nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Triển khai giải pháp TKNL sẽ giúp DN giảm chi phí, tăng lợi nhuận
|
Nhà đầu tư sốt ruột
Thống kê của Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước đang xúc tiến lập các dự án điện mặt trời công suất từ 20 MW đến trên 300 MW tại một số địa phương. Trong đó có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Pháp, Ấn Độ… đã đăng ký đầu tư vào một số tỉnh miền Trung.
Ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà- cho biết, các nhà đầu tư, kể cả doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời. Nhưng họ đang gặp khó khăn vì các chính sách về năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng mặt trời, chưa chưa đầy đủ, thiếu sự đồng bộ. Nguồn nhân lực hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, ứng dụng năng lượng sạch còn hạn chế, công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập. Trong khi đó, đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời cần nhiều vốn nhưng chi phí đầu ra chưa rõ ràng.
Đồng quan điểm, ông Diệp Bảo Cảnh- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP năng lượng Mặt trời đỏ - cho rằng, để điện mặt trời phát triển cần phải huy động nguồn lực tài chính tổng lực của toàn xã hội. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng và ngân hàng hoàn toàn không có kế hoạch đào tạo nhân lực phục vụ cho việc thẩm định và xét duyệt tín dụng cho các dự án điện mặt trời.
Nhiều chuyên gia khuyến nghị, để phát triển điện mặt trời cần có một cơ chế đồng bộ rõ ràng và hướng dẫn cụ thể từ việc quy hoạch, quy định, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, hạ tầng thiết bị, đấu lưới, nguồn vốn, ưu đãi thuế, cơ chế giá mua bán điện đến đào tạo... Tuy nhiên, đến thời điểm này, văn bản vẫn chưa được ban hành.
Nút thắt lớn nhất khiến điện mặt trời chưa có bước phát triển đột phá là thiếu các văn bản chính sách, đặc biệt về quy hoạch, kỹ thuật, cơ chế giá... Vì vậy các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện và ban hành văn bản để các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện. |
Theo baocongthuong.com.vn
Share