Phát triển nghề cá trên lòng hồ thủy điện

08:57, 16/11/2016

Nhằm phát huy lợi thế hồ thủy điện, những năm qua tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển nghề cá. Vì vậy, nghề nuôi trồng thủy sản của địa phương đã phát triển khá nhanh về diện tích, tăng sản lượng, thu được giá trị cao, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Ngay sau khi hồ thủy điện Tuyên Quang tích nước, để giúp tỉnh Tuyên Quang phát huy thế mạnh về diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, ngày 31/12/2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định 3732/QĐ-BNN-NTTS phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển nuôi trồng thủy sản hồ thủy điện Tuyên Quang, với tổng vốn đầu tư hơn 19,8 tỷ đồng. Thực hiện quyết định này, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai thực hiện dự án theo đúng các quy định của pháp luật. Đến nay, khu bến cá và hậu cần dịch vụ đã cơ bản được hoàn thành góp phần tích cực cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện Tuyên Quang. 

Các hộ gia đình vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang được hỗ trợ cá Lăng giống để phát triển sản xuất

Ngoài ra, để giúp người dân phát triển nuôi cá lồng và cá eo, ngách, từ năm 2009, tỉnh Tuyên Quang cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh. Theo đó, đối với nuôi cá lồng, hỗ trợ 1 lần về giống với 600.000 đồng/lồng; riêng nuôi cá đặc sản được hỗ trợ 1,6 triệu đồng/lồng.

Đối với nuôi cá eo, ngách được hỗ trợ 1 lần về giống theo diện tích mặt nước (với những diện tích nuôi từ 3 ha trở lên) mức tối đa là 7 triệu đồng/ha và đối với eo, ngách tối đa là 70 triệu đồng/eo, ngách có diện tích lớn. 

Nhờ dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển nuôi trồng thủy sản hồ thủy điện Tuyên Quang và chính sách chính sách hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật đã tạo động lực thúc đẩy phát triển nghề cá trên hồ thủy điện. Đến nay, trên toàn vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang đã thu hút được 4 doanh nghiệp lớn cùng nhiều hợp tác xã, hộ nông dân tham gia nuôi cá lồng với trên 500 lồng cá. Sản lượng cá nuôi năm 2015 đạt hơn 3.414 tấn, tăng 14,9% so cùng kỳ năm 2014. Trong đó, có nhiều giống cá đặc sản có giá trị kinh tế cao được người tiêu dùng ưa chuộng như: cá dầm xanh, anh vũ, cá chiên, lăng, diêu hồng, cá tầm, cá bỗng... 

Anh Hoàng Long Thương, ở xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, chủ trang trại nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện Tuyên Quang cho biết, nhận thấy lòng hồ thủy điện rộng, là vùng sinh thái phù hợp cho nuôi cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao như cá chiên, cá nheo, cá bỗng, trắm cỏ, cá lăng… Vì vậy, từ tháng 8/2015, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư 10 lồng cá để nuôi nhiều loại cá khác nhau. Đến nay, sau hơn một năm nuôi, một số loài cá phát triển rất nhanh như cá trắm cỏ, cá chép, cá lăng. Không chỉ tăng thêm thu nhập, anh Thương không chỉ tăng thêm thu nhập cho gia đình mà còn tạo việc làm cho 5 lao động khác ở địa phương… 

Ngoài nuôi cá lồng, các hộ dân, tổ hợp tác đã tận dụng các eo, ngách hồ thủy điện để nuôi cá và mạng lại hiệu lại hiệu quả cao. Mô hình nuôi cá eo, ngách của gia đình anh Phùng Xuân Sơn, thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú, huyện Na Hang là một điển hình. Tận dụng eo, ngách ngay sau khu vực gia đình sinh sống, năm 2010 anh Sơn và 4 hộ gia đình trong thôn đã đầu tư hệ thống lưới ngăn tạo thành một hồ nuôi cá với diện tích hơn 10 ha và được hỗ trợ 70 triệu đồng tiền mua giống.

Anh Sơn cho biết, do nước hồ sạch, phù du nhiều, sẵn cỏ nên nuôi cá eo, ngách không tốn nhiều thức ăn và công lao động, mỗi năm cũng cho thu nhập 70-80 triệu đồng. 

Tương tự như gia đình anh Sơn, khi tuyến đường vào cảng cá ở lòng hồ được xây dựng xong đã tạo nên một diện tích eo ngách khoảng 5 ha, gia đình anh Phúc Minh Khôi, trú tại tổ 14, thị trấn Na Hang, huyện Na Hang cùng mấy người bạn đã lập dự án trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để xin tận dụng diện tích này nuôi trồng thủy sản. Năm 2014, dự án được duyệt, được hỗ trợ 35 triệu đồng tiền mua cá giống, đã thả cá chép, cá bỗng và rô phi, nay cá phát triển tốt. 

Ông Chẩu Trung Kiên, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang cho biết, qua tổng kết, việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện; trong đó, tập trung phá triển nuôi cá eo ngách, nuôi cá lồng bước đầu đã mang lại thu nhập cho người dân trên địa bàn lòng hồ. 

Trung bình mỗi một lồng cá cho thu lãi 15 triệu đồng/năm; đối với nuôi cá eo, ngách, người dân có thể tận dụng được diện tích mặt nước, nguồn thức ăn tự nhiên và đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng các chất cấm trong thức ăn chăn nuôi và cho thu nhập trung bình 60-70 triệu đồng/eo, ngách/năm. 

Ngoài ra, để phát triển nghề cá bền vững, huyện tuyên truyền đến người dân thực hiện tốt việc chăn nuôi, hạn chế sử dụng các nông cụ, ngư cụ đánh bắt cá hủy diệt; không sử dụng các loại thức ăn chăn nuôi thủy sản không rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng đến việc phát triển nguồn lợi thủy sản… 

Với những lợi thế trên, tỉnh Tuyên Quang đang xây dựng quy hoạch phát triển thủy sản giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035, đây là một trong những nội dung của việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng. Theo đó, tỉnh Tuyên Quang đặt ra mục tiêu đến năm 2020, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 8.000 tấn; trong đó gần 800 tấn cá đặc sản; đến năm 2025 đạt gần 10.000 tấn; trong đó cá đặc sản gần 1.500 tấn. 

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Tuyên Quang tập trung nâng cao chất lượng con giống bảo đảm sạch bệnh, chất lượng tốt, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời khuyến khích các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản đạt chất lượng; trong đó khuyến khích các hộ nuôi thủy sản, sử dụng máy chế biến thức ăn nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Tỉnh cũng tập trung xây dựng thương hiệu cho các loại cá đặc sản; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại ở các thị trường trọng điểm...


Theo TTXVN

Share