Cơ chế giá điện tại Việt Nam
Điện là một mặt hàng đặc thù và rất quan trọng đối với nền kinh tế cũng như sinh hoạt của nhân dân, do đó thông tin về giá điện luôn được dư luận xã hội quan tâm. Vì tính chất quan trọng đó, dù định hướng theo cơ chế thị trường, thu đúng, thu đủ, có lên có xuống nhưng giá điện tại Việt Nam vẫn có sự điều tiết của nhà nước theo hướng bảo vệ cho đa số người dân.
Ở mỗi thời kỳ, giá bán điện bình quân sẽ được Thủ tướng quyết định với 2 văn bản bao gồm: (1) Khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân và (2) cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Những quyết định trên đều căn cứ và tuân thủ theo Luật giá và các Nghị định của Chính phủ.
Trong giai đoạn 2016-2020, khung giá mức giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện theo Quyết định số: 34/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.606,19 đồng/kWh; tối đa là 1.906,42 đồng/kWh.
Đối với cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 15/8/2017.
Trong các văn bản trên, có quy định rõ ràng về thẩm quyền, trách nhiệm của các Bộ/ngành, đơn vị, tổ chức liên quan triển khai thực hiện.
Căn cứ chi phí mua điện trên thị trường điện gồm chi phí thanh toán điện năng thị trường; Thanh toán công suất thị trường; Thanh toán theo hợp đồng mua bán điện dạng sai khác; Các khoản thanh toán khác theo Quy định vận hành thị trường điện, EVN, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng khác tính toán, xây dựng phương án giá bán điện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Theo Quyết định 24, về nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện bình quân (tăng/giảm) sẽ căn cứ vào kết qủa kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN hàng năm, nếu giá các thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) có biến động (tăng hoặc giảm) so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.
Tuỳ vào từng mức độ biến động thông số đầu vào tính theo % thì EVN, hoặc Bộ Công Thương/Bộ Tài chính được phép điều chỉnh hoặc trình Chính phủ xem xét cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 06 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Và việc điều chỉnh phải thực hiện một cách công khai, minh bạch.
Về phương pháp lập giá bán điện bình quân hàng năm, Quyết định 24 nêu rõ: Giá bán điện bình quân được lập hàng năm trên cơ sở chi phí mua điện từ các đơn vị phát điện, chi phí và lợi nhuận định mức của các khâu truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí quản lý chung của Tập đoàn EVN để đảm bảo khả năng vận hành, cung ứng điện và đáp ứng nhu cầu đầu tư theo kế hoạch do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Trên thực tế, giá điện bán lẻ được điều chỉnh lần gần nhất là năm 2019. Từ đó đến nay, mặc dù chi phí nguyên nhiên liệu đầu vào có biến đổi tăng nhưng do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan nên việc điều chỉnh giá bán điện vẫn chưa được thực hiện.
Trở lại giai đoạn 2009-2019, đã có nhiều lần điều chỉnh giá điện do chi phí đầu vào luôn tăng tuy nhiên trong 2 năm 2020 và 2021, trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương, Chính phủ đã thực hiện 5 đợt giảm giá điện, giảm tiền điện đối với nhiều đối tượng khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bao gồm người dân, doanh nghiệp và các cơ sở cách ly y tế, cơ sở điều trị Covid-19. Theo báo cáo của EVN, tổng số tiền hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện trong 5 đợt lên tới 16.950 tỷ đồng.
Giá điện Việt Nam ở đâu trên thế giới?
Trước hết phải khẳng định, Việt Nam là một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việt Nam cũng là nền kinh tế có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng với quốc tế, do đó mọi sự thay đổi trong đó có lĩnh vực năng lượng/điện trên thế giới sẽ có tác động mạnh mẽ tới Việt Nam.
Hơn 2 năm qua, do tác động của đại dịch Covid-19, sự đứt gãy chuỗi cung ứng, xung đột địa chính trị ở một số khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là cuộc xung đột Nga – Ukraine đã khiến giá năng lượng như than, dầu, khí tăng lên rất cao. Nhiều quốc gia trên thế giới đã rơi vào cảnh thiếu điện, khí đốt; giá điện tăng cao khiến Chính phủ nhiều nước phải kêu gọi sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Các mức giá điện này tại hầu hết quốc gia châu Âu tăng 40-50% so với đầu năm.
|
Bảng so sánh giá điện của Việt Nam với một số quốc gia trên thế giới (nguồn EVN) |
Thống kê cho thấy, tính đến tháng 10/2022, giá điện tại Italy là 211,2 Euro/kWh (khoảng 5.714 VNĐ/kWh). Kế đến là Pháp là 178,9 Euro/kWh (khoảng 4.847 VNĐ/kWh); Đức là 157,8 Euro/kWh (khoảng 4.278 VNĐ/kWh); Tây Ban Nha là 127,22 Euro/kWh (khoảng 3.439 VNĐ/kWh) và tại Vương quốc Anh là 136,60 Euro/kWh (khoảng 3.710 VNĐ/kWh).
Tại châu Á, giá điện ở Tokyo (Nhật Bản) tháng 10 cũng tăng gần 27%. Tại Hàn Quốc là 228,96 Won/kWh (khoảng 4.287 VNĐ/kWh). Còn tại Thái Lan, giá điện sinh hoạt đã tăng lên 4,72 baht/kWh (khoảng 3.273 VNĐ/kWh) từ tháng 9/2022.
Theo một thống kê của EVN, năm 2021, theo Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ Công Thương, giá bán lẻ điện bình quân là 1864,44 đồng/kWh (cũng tương đương mức 0,083 USD/kWh), tức là tương đương khoảng 66% so với mức giá điện trung bình của thế giới và cũng chỉ ở mức trung bình thấp so với giá điện bình quân của thế giới (101/147).
|
Giá điện bình quân của Việt Nam và khu vực ASEAN |
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đang là quốc gia có mức giá điện bình quân thấp so với hầu hết các quốc gia trong khu vực. Thậm chí, giá bán lẻ điện của Việt Nam hiện nay chỉ bằng 51% so với Philippines - quốc gia có giá điện cao nhất khu vực (0,172 USD/kW).
Theo đánh giá, trong ASEAN, Lào là nước có giá điện thấp nhất khu vực, tuy nhiên quốc gia này có tới 70% điện năng sản xuất từ thủy điện (giá rẻ) và khoảng 25% từ nhiệt điện than.
Những yếu tố liên quan đến giá điện
Về nguyên tắc, giá điện được tính toán trên cơ sở chi phí của các thông số đầu vào gồm 4 khâu chính: phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện.
Tuy nhiên cũng có nhiều yếu tố liên quan có tác động lên giá điện vì để có thể sản xuất và cung ứng điện cần số vốn đầu tư lớn cho hệ thống nguồn và lưới điện, cũng như các dịch vụ liên quan.
Xét 1 cách tổng thể thì Việt Nam vẫn là quốc gia đang phát triển, nhu cầu sử dụng điện tăng cao hơn tăng trưởng GDP. Tính chung cả giai đoạn điện thương phẩm tăng trên 10%/năm. Cụ thể, năm 2009, điện thương phẩm đạt 74,76 tỷ kWh thì năm 2019, tổng điện thương phẩm đạt 209,42 tỷ kWh.
Để đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế và sinh hoạt của nhân dân, tổng mức đầu tư xây dựng hệ thống điện trong giai đoạn này liên tục tăng. Nếu như năm 2009, tổng khối lượng đầu tư nguồn và lưới điện của toàn Tập đoàn đạt 45.665 tỷ đồng, thì năm 2019, con số này ước đạt 100.480 tỷ đồng.
Với sự đầu tư mạnh mẽ này, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam đã nâng lên từ khoảng 17.000 MW năm 2009 lên 54.850 MW năm 2019 (tăng gần gấp 3 lần).
Báo cáo của EVN cũng cho thấy, tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW. Trong đó, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 20.670MW (tăng 3.420MW so với năm 2020) và chiếm tỉ trọng 27%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.
Hệ thống lưới điện truyền tải 220-500kV cũng nâng lên từ 11.900 km với dung lượng máy biến áp là 26.500 MVA lên gấp đôi số km đường dây và dung lượng trạm biến áp đạt hơn 100.000 MVA. Trong khi đó lưới điện 110kV và hệ thống điện phân phối đã phủ trên 98% các huyện/xã.
|
Sản lượng điện và công suất đặt đến năm 2019 (nguồn GIZ) |
Đặc biệt, trong giai đoạn 2009-2019, ngành điện cũng đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để kéo điện tới các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo…giúp cho 100% xã và 99,25% số hộ dân nông thôn cả nước được sử dụng lưới điện quốc gia.
EVN cũng đã tiếp nhận, quản lý vận hành và bán điện cho 11/12 huyện đảo của cả nước. Và hàng năm vẫn phải bù lỗ nhiều trăm tỷ đồng cho việc bán điện dưới giá thành tại các huyện đảo.
Năm 2021, cơ cấu nguồn điện của Việt Nam, nguồn thuỷ điện giá rẻ nhất là thuỷ điện chỉ chiếm 28,5%; tiếp đến là nguồn điện than chiếm khoảng trên 32,2%, (từ 2015 Việt Nam đã phải nhập khẩu than); nguồn điện khí 9,3% và năng lượng tái tạo khoảng 27%. Trong năm 2022, giá điện than đã đạt khoảng 4.000 đồng/kWh, điện năng lượng tái tạo theo giá FIT theo quyết định 11 và 13 về cơ chế khuyến khích từ 2017 (trong thời hạn 20 năm) khoảng trên 2.000 đồng/kWh, cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành.
Do việc đầu tư lớn, nguồn nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện tăng (than, dầu, khí…) cùng những biến động của nền kinh tế khiến chi phí sản xuất kinh doanh của EVN tăng. Theo đó, giá điện cũng phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế để đảm bảo an ninh năng lượng trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai Quyết định số 1479/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch huy động các nguồn lực của các tập đoàn, tổng công ty tham gia các hoạt động, dự án đóng góp vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội tổ chức ngày 12/12/2022 vừa qua, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN cho biết, vấn đề mất cân đối tài chính dẫn đến nguy cơ EVN sẽ không có nguồn chi phí để hoạt động; có nguy cơ không có tiền trả cho các đơn vị bán điện cho EVN thời gian tới. Kéo theo đó, hệ số xếp hạng tín dụng của EVN sẽ bị đánh giá thấp; việc vay vốn ngân hàng cho các dự án đầu tư xây dựng điện cũng sẽ vô cùng khó khăn. Thực trạng này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Chính vì vậy, để đóng góp hiệu quả vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, EVN kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại một cách kịp thời theo một cơ chế tự động, tương tự như cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu. |
Link gốc
Theo congthuong.vn
Share