Quá tải trên lưới điện
Những năm gần đây, diện tích nuôi tôm tại ĐBSCL phát triển rất nhanh, chiếm hơn 75% diện tích nuôi tôm của cả nước. Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo chính quyền địa phương quy hoạch theo từng giai đoạn cụ thể cho các vùng nuôi tôm, nhưng do nhu cầu đầu tư tự phát để cải thiện kinh tế của các hộ dân nên việc quy hoạch và kiểm soát vẫn chưa đáp ứng được tình hình thực tế. Nếu cuối năm 2011, ĐBSCL có 580.000 ha nuôi tôm thì đến tháng 7/2017 đã tăng lên gần 630.000 ha.
Tại một số địa phương, UBND tỉnh đã lập quy hoạch phát triển nuôi thủy sản. Tuy nhiên, nhiều hộ dân nuôi theo hình thức nhỏ lẻ tự phát, sử dụng điện từ nguồn điện phục vụ sinh hoạt dẫn đến tình trạng lưới điện bị quá tải. Thêm vào đó, việc tự ý kéo dây từ nơi cấp điện sinh hoạt đến các ao tôm không đảm bảo kỹ thuật, an toàn đã gây ra các tai nạn điện đáng tiếc.
Mô hình nuôi tôm tiết kiệm điện tại Sóc Trăng
|
Theo ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng giám đốc EVNSPC, để đảm bảo cung cấp điện phục vụ nuôi thủy sản, Tổng công ty đã ưu tiên đầu tư tại một số tỉnh ven biển phía nam có mật độ nuôi tôm lớn, với tổng số vốn 876 tỉ đồng. Điển hình như Dự án cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện thuộc dự án DPL3 vay vốn World Bank thực hiện trong năm 2015, hoàn tất đưa vào sử dụng trong quý 1/2016, tổng vốn đầu tư 597 tỉ đồng, triển khai tại 4 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Trà Vinh.
Bên cạnh đó còn có các công trình thực hiện bằng nguồn vốn tự có và đối ứng của tỉnh, với tổng giá trị đầu tư 279 tỉ đồng. Tại một số địa phương, UBND tỉnh đã lập quy hoạch phát triển nuôi thủy sản. Tuy nhiên, nhiều hộ dân nuôi theo hình thức nhỏ lẻ tự phát, sử dụng điện từ nguồn điện phục vụ sinh hoạt dẫn đến tình trạng lưới điện bị quá tải. Thêm vào đó, việc tự ý kéo dây từ nơi cấp điện sinh hoạt đến các ao tôm không đảm bảo kỹ thuật, an toàn đã gây ra các tai nạn điện đáng tiếc.
Đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm điện
Qua đánh giá số liệu sử dụng điện của khách hàng và tiến hành khảo sát tình hình cung cấp điện cho mô hình nuôi tôm của một số hộ tại 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng, có thể thấy nhu cầu điện phục vụ nuôi tôm đang tăng rất mạnh. Khả năng không đáp ứng được nguồn điện cho các hộ nuôi tôm có thể xảy ra nếu không có những giải pháp quản lý hiệu quả và thực hiện tiết kiệm điện.
Do đó, EVNSPC định hướng trong giai đoạn 2017 - 2020, ngoài việc đầu tư cấp điện mới cho các hộ nuôi tôm, cần có sự tham gia tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Ông Đức cho biết riêng về hoạt động tiết kiệm điện, EVNSPC sẽ tiếp tục triển khai các đề án thí điểm tuyên truyền, quảng bá và hỗ trợ một phần cho hộ nuôi tôm.
Đề án thí điểm “Hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm tại khu vực ĐBSCL và một số tỉnh Nam bộ giai đoạn 2016 - 2018” được triển khai tại Sóc Trăng từ tháng 12/2016, với chi phí 1,4 tỉ đồng. Giải pháp được lựa chọn là thay thế gối đỡ chữ U bằng gối đỡ con lăn; đồng thời tuyên truyền, vận động hộ nuôi tôm kết hợp chỉnh đồng trục động cơ và dàn quạt tạo ô xy nuôi tôm để tiết kiệm điện. Với việc sử dụng đồng thời các giải pháp này, theo tính toán có thể tiết kiệm được 35-40% lượng điện năng tiêu thụ.
Ngoài ra, EVNSPC còn triển khai đề án thí điểm “Hỗ trợ nâng cao hiệu suất thiết bị điện cho các hộ nuôi tôm tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng giai đoạn 2017 - 2018”, nhằm khuyến khích các hộ thay thế các loại động cơ cũ bằng động cơ hiệu suất cao kết hợp bộ giảm tốc và sử dụng con lăn cho dàn quạt tạo ô xy.
Thực hiện chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVNSPC sẽ tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp uy tín nhằm giới thiệu và hỗ trợ cho người dân sử dụng thiết bị tiết kiệm điện trong nuôi tôm công nghiệp, đặc biệt ưu tiên các sản phẩm có dán nhãn năng lượng và chất lượng cao được sản xuất trong nước.
Qua khảo sát, để thực hiện cải tạo và phát triển lưới điện trung hạ thế phục vụ nuôi thủy sản tại 6 tỉnh (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang) đến năm 2020 còn cần khoảng 1.494,8 tỉ đồng. Riêng năm 2017, EVNSPC đã bố trí 303 tỉ đồng để đầu tư cấp điện phục vụ nuôi tôm, với tiêu chí ưu tiên các khu vực cấp bách có diện tích ao nuôi phát triển mạnh. |
Theo Báo Thanh niên
Share