Thay đổi cơ chế mua bán điện mặt trời áp mái
09:53, 11/01/2019
Các dự án điện mặt trời trên mái nhà được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều - đó là một trong những nội dung vừa được sửa đổi tại Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg ngày 8/1/2019.
Chính sách mới được kì vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong cơ chế thanh toán giữa bên mua và bên bán điện mặt trời nối lưới
|
Quyết định trên sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Trong đó, theo Quyết định mới sửa đổi, bên bán điện thực hiện thanh toán lượng điện năng nhận từ lưới điện theo quy định hiện hành. Bên mua điện thực hiện thanh toán lượng điện năng từ dự án trên mái nhà phát lên lưới điện với giá mua bán điện quy định như đối với dự án điện mặt trời nối lưới.
Các bên có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về thuế và phí.
Giá mua bán điện đối với dự án trên mái nhà cho năm tiếp theo được xác định trên cơ sở tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày công bố tỷ giá cuối cùng của năm trước.
Trước đó, theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, các dự án trên mái nhà được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng (net-metering) sử dụng hệ thống công tơ hai chiều. Trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ các dự án trên mái nhà lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Khi kết thúc năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện với giá bán điện theo quy định.
Tính đến cuối năm 2018, trên cả nước đã có khoảng 1.500 khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái nối lưới, với tổng công suất trên 19.000 kWp. Các khách hàng này đã được ngành Điện lắp đặt công tơ đo đếm hai chiều. Trong đó, TP.HCM là đơn vị đi đầu, với hơn 900 khách hàng lắp đặt điện mặt trời nối lưới, tổng công suất 10.382 kWp.
Thùy Lê
Share