Thủy điện Thác Bà và Hòa Bình: Những câu chuyện bây giờ mới kể

09:02, 23/01/2015

Gắn bó với nhiều công trình thủy điện, đặc biệt là Thủy điện Thác Bà và Hòa Bình, ông Bùi Thức Khiết nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam chia sẻ về những câu chuyện bây giờ mới kể…

Bom bi rải khắp nhà máy 

Ông Bùi Thức Khiết về làm việc tại Nhà máy Thủy điện Thác Bà năm 1972. Đây là thời điểm máy bay Mỹ trút bom liên tục xuống các nhà máy điện ở miền Bắc. Chỉ còn Nhà máy Thủy điện Thác Bà vẫn hoạt động. Chính trong thời gian này, ông Khiết – Bí thư Chi bộ Nhà máy đã cùng cán bộ, công nhân trải qua những ngày tháng vất vả nhưng cũng đáng nhớ nhất.

Ngày 2/6/1972, Mỹ ném bom bi làm Nhà máy ngừng hoạt động. Sau trận bom, CBCN Nhà máy khẩn trương phân công nhau sửa chữa, khôi phục lại sản xuất. Tuy nhiên, khi vào trong trạm điện, phát hiện nhiều quả bom bi chưa nổ nằm ngay trên mặt đất, một số anh em lắp máy sợ quá, vội quay ra ngoài. Ông Khiết nhanh tay vơ vội chiếc xảo tiến lên phía trước, lần lượt nhặt những quả bom bi đặt vào và nhẹ nhàng bê ra bờ sông. Nhiều anh em khác thấy vậy cũng làm theo, dần dần số bom bi được dọn hết mà không xảy ra tai nạn nào.

Ngăn sông Thủy điện Thác Bà năm 1970.  (Ảnh sưu tầm)

Chưa đầy chục ngày sau, máy bay Mỹ tiếp tục sử dụng bom laze, ném xuống Nhà máy. Đang sơ tán trong núi Hoàng Thi, nhìn về phía Nhà máy chỉ còn là đống đổ nát, khói lửa ngút trời, ông Khiết cùng anh em đứng ngồi không yên. Ông và một số người tìm đường vào Nhà máy mong cứu được anh em, đồng nghiệp. Đường vào ngổn ngang tường đổ, gạch đá. Nhưng cuối cùng ông cũng tìm được các anh em bị vùi lấp phía trong, may mắn không ai thiệt mạng, chỉ có một nữ cán bộ bị thương do cánh cửa đổ sập xuống người. Máy móc, thiết bị, nhà xưởng không còn nguyên vẹn, tổ máy 1 và 3 bị nổ tung.

Chỉ có thể khôi phục được tổ máy số 2. Thiết bị điện nặng vài trăm kg, lại không có cần trục, chỉ có thể bê tay. Thế mà đúng 2 tháng 3 ngày sau trận bom, anh em đã dọn dẹp, sửa chữa, khôi phục xong Nhà máy. Ngày 10/8, cả hệ thống thiết bị gắng gượng chạy phát điện. Cũng chỉ được đúng 7 ngày, lại xảy ra sự cố, anh em “vắt chân lên cổ” sửa chữa. Công nhân lấy nước đổ tràn ra mặt sàn, lấy bạt ngụy trang toàn bộ Nhà máy che mắt địch. Vậy mà chỉ ít ngày sau đó, từ trong “bóng tối”, Nhà máy Thủy điện Thác Bà đã hoạt động trở lại, đóng điện cho Hà Nội, phục vụ chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”.

Điều kiện thi công khắc nghiệt

Được phân công về Nhà máy Thủy điện Hòa Bình từ năm 1982, ông Khiết cho biết, đây là công trình đứng nhất nhì thế giới về độ phức tạp, có những hạng mục lớn, rất độc đáo. Ngoài  đập Thủy điện Hòa Bình được xây trên nền cát dày 60m, theo phương án thiết kế nhà máy ngầm, còn phải kể đến hai hạng mục khác là công trình chống thấm trong núi đá vôi Trại Nhãn và công trình xả tràn; thi công cực kỳ phức tạp và gian khổ, mà từ trước đến nay chưa ai nhắc đến.

Núi Trại Nhãn là một núi đá vôi. Khi đắp đập ngăn sông, nước dâng lên về phía thượng lưu 100m, dần dần chảy qua các hang động. Để giữ nước, cán bộ, công nhân Nhà máy đã xây bức tường ngầm dày 4m, cao 100m, dài 600m chính giữa lòng núi. Họ phải đào, khoét từng tấc đất đá trong lòng núi, rồi đổ bê tông. Trong thời gian hơn 3 năm, những cán bộ, công nhân Thủy điện Hòa Bình đã cùng nhau đào 3 đường hầm ở 3 cao độ khác nhau, tiến dần vào và xuyên qua núi đá vôi. Trong điều kiện ngập nước, họ cặm cụi đào ngược, đào xuôi, mỗi đoạn đào xong lại phải tháo hết nước để đổ bê tông. Những ngày mùa đông, nhiệt độ xuống thấp, phải đào lòng núi trong môi trường ngập nước, lạnh buốt thấu xương, quả là một “cực hình”, nhưng CBCN công trường  Thủy điện Hòa Bình vẫn “bền gan vững chí” hoàn thành nhiệm vụ.

Đối với công trình xả tràn, lưu lượng nước lũ tính toán cho Thủy điện Hòa Bình là 37.800 m3/giây, khi lũ về phải xả bằng hết, nếu không nguy cơ vỡ đập sẽ xảy ra. Với khối lượng nước khổng lồ này, Thủy điện Hòa Bình dự tính phải có tới 18 cửa xả lũ, cửa lớn nhất là 15m x 15m, nhỏ nhất là 6m x 10m. Những cửa này buộc phải mở hết mới xả được toàn bộ lượng nước lũ theo tính toán.

Ngăn sông Đà đợt 2, năm 1986. Nguồn: Trần Nguyên Hợi

Những chuyện “lạnh sống lưng”

Khi ngăn sông Đà lần 3, đến thời điểm đóng cống ngầm để tích nước, do cửa van không kín, nước tràn vào. Công nhân phải tìm cách xử lý cửa van. Để vào được phía trong, họ phải đi qua một đường ống ngầm sâu 80m, lối lên xuống chỉ có duy nhất một cầu thang bằng sắt. Đội thợ lặn đã lặn sâu xuống phía dưới dùng vải, bao tải bịt chỗ hở, rồi đổ bê tông vào những khe hở đó. Còn đội thợ hàn làm việc ở phía trên. Không may các tia lửa hàn bắn xuống dưới đã bắt lửa vào những mảnh vải còn mắc lại trên cầu thang dọc đường ống gây cháy. Toàn bộ đường hầm có đường kính 12m, sâu 80m cháy nghi ngút, vài chục công nhân ở dưới lóp ngóp ngạt thở vì thiếu oxy, không có lối thoát. Sau đó, những chiếc bình oxy nhanh chóng được thả xuống, đẩy dần khí CO2 thoát lên để giải cứu công nhân.

Công việc ngổn ngang bề bộn. Theo kế hoạch, tháng 12 năm 1987, tổ máy 1 phải phát điện, nhưng đến cuối năm 1988 mới tiến hành chạy thử. Hơn 50 phóng viên ngày đêm túc trực trên công trường, theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến chạy thử tổ máy 1 để đưa tin. Đúng 20 giờ 21 phút ngày 30/12/1988, lần đầu tiên dòng điện của Nhà máy lên lưới điện quốc gia. Tổ máy 1 được chạy thử trong thời gian 7 ngày, nhưng tổ máy số 5 phải chạy thử tới 53 ngày vì đang trong quá trình chạy thử thì bị nổ cáp điện, phải sửa chữa mất 30 ngày.

Ông Khiết chia sẻ, trong cả tuần chạy thử tổ máy 1, ông và những anh em liên quan chỉ ngủ được có 1 – 2 đêm, còn lại thức trắng. Những ngày này, bất kể ngày hay đêm, công trường lúc nào cũng sáng ánh đèn.

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã góp phần cung cấp điện cho đất nước, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, đóng góp 1/3 tổng sản lượng điện cả nước trong thời gian đó. Để đạt được thành tựu đó, cán bộ, công nhân Nhà máy đã trải qua những năm tháng lao động vô cùng gian khổ trong điều kiện công trình đang thi công vô cùng khắc nghiệt. Có lẽ ít ai biết, đã có 168 người – gồm các chuyên gia Liên Xô và kỹ sư, công nhân Việt Nam hy sinh vì dòng điện của Tổ quốc.

 

 


Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN

Share