Thủy điện “khát nước”
Tại các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, mùa mưa năm 2015 kết thúc sớm, tổng lượng mưa thấp hơn nhiều so với TBNN. Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, đến cuối tháng 2/2016, tần suất nước về các hồ thủy điện khu vực miền Trung đạt từ 65 – 98%; khu vực Tây Nguyên đạt từ 82% - 98%.
Ông Nguyễn Minh Hoàng - Trưởng phòng Vận hành Thị trường điện, Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DHD) cho biết, do không đảm bảo mực nước giới hạn nên từ 0h00 từ ngày 06/10/2015, Công ty đã tạm thời không tham gia trực tiếp mà chỉ gián tiếp tham gia thị trường điện. Đến cuối tháng 2/2016, lưu lượng nước về hồ chứa Đơn Dương cũng chỉ đạt trung bình là 7,75 m3/s, thấp hơn TBNN (8,27 m3/s); hồ Hàm Thuận 6,69 m3/s, thấp hơn TBNN (9,18 m3/s).
Tại khu vực miền Trung, lưu lượng nước về hồ A Vương cũng rất thấp. Đến đầu tháng 3/2016, mực nước hồ A Vương chỉ đạt 370,14 m (thấp hơn so với TBNN), không đảm bảo mực nước quy định theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn. Theo ông Lê Đình Bản – Phó tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương, hiện nay, Nhà máy Thủy điện A Vương hầu như không phát điện mà chủ yếu tập trung tích nước hồ chứa theo sự điều hành của UBND tỉnh Quảng Nam.
Hạn hán đang diễn ra gay gắt trên diện rộng tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên
|
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương, trong tháng 03/2016, mực nước các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên ít thay đổi. Lượng nước trên các sông chính đều thiếu hụt so với TBNN từ 22 - 75%.
Do thiếu nước, vụ Đông Xuân 2015-2016, hàng chục nghìn ha đất nông nghiệp phải dừng sản xuất, trong đó có những vùng đã phải dừng sản xuất 5 - 6 vụ liên tiếp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng lương thực và đời sống của nhân dân.
Trong khi đó, những tháng cao điểm mùa khô khu vực Tây Nguyên có thể kéo dài tới tháng 6, khu vực Nam Trung Bộ tới tháng 9, hạn hán tiếp tục diễn ra gay gắt trên diện rộng và kéo dài, có nguy cơ thiếu nước cho sản xuất vụ Đông Xuân, Hè Thu và ngay cả nước cho sinh hoạt của người dân. Vì vậy, triển khai các giải pháp chống hạn là công việc hết sức cấp bách.
Gồng mình chống hạn
Cũng theo ông Nguyễn Minh Hoàng, để đảm bảo an ninh cung cấp điện và cấp nước hạ du, từ tháng 12/2015 đến nay, DHD đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia và các địa phương để tập trung tích nước cho các hồ thủy điện. Trong đó, ưu tiên cấp nước cho vùng hạ du tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận – khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hạn hán.
Thủy điện A Vương hạn chế phát điện, ưu tiên cấp nước cho hạ du
|
Dự báo thời gian tới, tình hình khô hạn sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt trên diện rộng và có thể kéo dài đến hết mùa khô 2016, trong khi đó lưu lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục thấp. Vì vậy, DHD sẽ vận hành Nhà máy theo phương thức ưu tiên hàng đầu cho việc cấp nước chống hạn, sau đó là cấp điện.
Theo ông Lê Đình Bản: Mùa khô năm 2016, hồ Thủy điện A Vương không đủ điều kiện vận hành theo Quy trình vận hành liên hồ chứa và đã tham gia gián tiếp thị trường điện từ 0h00 ngày 8/12/2015 vì mực nước hồ không đảm bảo. Từ nay đến tháng 8/2016, Công ty CP Thủy điện A Vương sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam xác định lưu lượng chạy máy, đáp ứng nhu cầu thực tế sử dụng nước hạ du và tình hình thủy văn hồ chứa cụ thể theo từng tháng.
Ông Trương Xuân Tý - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam:
“Công tác vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn trong việc chống hạn cho hạ du đến thời điểm hiện tại đều nằm trong tầm kiểm soát, điều hành theo đúng quy định. Chính nhờ nguồn nước dự trữ từ hồ thủy điện, tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần vượt qua được các đợt nhiễm mặn nặng một cách dễ dàng”.
Tại văn bản số 36/TB-VPCP (ngày 25/2/2016) về công tác phòng, chống hạn hán tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu:
- Huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng vào cuộc dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng;
- Làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, chủ động thông tin kịp thời đến người dân về diễn biến của hạn hán để có nhận thức đầy đủ về tác động nghiêm trọng của hạn hán; chủ động tham gia phòng, chống hạn hán; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.
- Cần nghiên cứu các giải pháp tổng thể, căn cơ, dài hạn, có lộ trình, bước đi phù hợp, đồng bộ để chủ động đối phó với hạn hán và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước.
|
Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
Share