Tiền không là động lực cho sự gắn kết
15:14, 27/03/2023
Rất nhiều sự nghiệp đầy triển vọng bị "trật đường ray" vì rơi vào "điểm mù”: không hiểu rõ ưu, nhược điểm và động lực của bản thân. Ở góc độ quản trị, người lãnh đạo không chỉ phải xác định động lực truyền cảm hứng cho bản thân mà còn phải giúp nhân viên điều đó, nếu không muốn con đường phát triển đi vào ngõ cụt.
Về động lực, theo Carter Cast - cựu CEO Walmart, tác giả cuốn sách Thoát khỏi điểm mù: bí quyết làm chủ cuộc đời, động lực là nguồn năng lượng tiếp thêm sức mạnh, thúc đẩy con người tiến về phía trước và giúp họ làm việc hiệu quả. Nhu cầu của cá nhân là nền tảng của động lực. Nếu nhu cầu được đáp ứng, hạnh phúc và sung sức theo sau; ngược lại, mệt mỏi và bất mãn hình thành, dẫn đến mất động lực và rốt cuộc "khổ chủ" sẽ làm việc như cái xác không hồn cũng như không còn gắn bó với tổ chức.
Ảnh minh họa.
|
Vậy vì sao tiền - thứ được xem là nhu cầu không thể thiếu, lại không nên được sử dụng làm động lực? Có trường hợp tiền là một loại động lực. Nếu tiền lương không đủ chi dùng cho những điều thiết yếu hoặc số lượng nhận được không mang đến cảm giác tương xứng với công sức bỏ ra, tiền khi ấy sẽ trở thành một nguồn động lực.
Tuy nhiên, trong trường hợp tiền lương đủ để trang trải nhu cầu thiết yếu, nhiều người ít bị ảnh hưởng bởi động lực bên ngoài mà sẽ bị thôi thúc mạnh mẽ hơn bởi động lực bên trong, như khao khát làm những điều mình thích đến mức thành thục hay mong muốn làm những điều cảm thấy có ý nghĩa và tạo ra giá trị cho người khác. Khi đó, tiền có thể trở thành phương tiện để đạt mục đích, chứ bản thân nó không còn được xem là mục đích cuối cùng.
Theo một phân tích kết quả của 92 nghiên cứu định lượng từ 115.000 nhân viên, sự liên kết giữa tiền lương và sự mãn nguyện trong công việc là rất yếu. Cụ thể, tỷ lệ tương quan giữa lương và mức độ hài lòng trong công việc chưa đến 2%. Cần biết rằng, sự liên kết này hầu như giống nhau ở bất cứ đâu mà không có sự phân biệt về nền văn hóa, khi phân tích không cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa người Mỹ, Ấn Độ, Úc, Anh hay Đài Loan.
Quan điểm trên đồng thời trùng khớp với một nghiên cứu của Gallup khi khảo sát 1,4 triệu nhân viên từ 192 tổ chức thuộc 49 ngành nghề và 34 nước, cho thấy tiền lương không tạo nên sự gắn bó sâu đậm nào giữa nhân viên và tổ chức.
Trong một nghiên cứu, hai nhà tâm lý học đoạt giải Nobel - Daniel Kahneman và Angus Deaton cho biết, tại Mỹ mức độ ổn định cảm xúc tăng dần khi mức lương một người được tăng đến 75.000 USD, nhưng sau đó không tăng nữa. Kết luận, tiền không mua được sự gắn bó của nhân viên. Càng tập trung vào tiền, càng khó tìm được công việc hấp dẫn và càng tập trung vào tiền, người quản trị càng khó tạo động lực và sự mãn nguyện cho nhân viên.
Link gốc.
Theo https://doanhnhansaigon.vn/
Share