Tiếp tục thúc các Bộ, ngành tìm giải pháp xử lý tro, xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện, phân bón

10:36, 24/05/2022

Tính đến cuối năm 2021, tổng lượng tro, xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ cộng dồn qua các năm trên cả nước khoảng 48,4 triệu tấn, chiếm khoảng 48% tổng lượng phát thải từ trước tới nay...

Văn phòng Chính phủ mới có văn bản gửi các Bộ: Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, cùng UBND một số địa phương, trong đó có Trà Vinh về tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng.

Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 08.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên vật liệu trong các công trình giao thông, thay thế vật liệu tự nhiên.

Thực hiện yêu cầu này, Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị triển khai công việc liên quan đến sử dụng vật liệu tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện vào các công trình giao thông. 

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các ban Quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải, chủ đầu tư, cơ quan thực hiện dự án đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, lựa chọn các hạng mục công trình phù hợp để sử dụng vật liệu tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Giao thông vận tải trước ngày 15/12/2022.

Bãi đổ thải của Công ty cổ phần DAP - Vinachem tại Hải Phòng chất cao như núi với hàng triệu tấn, đến nay chưa được xử lý

Viện Khoa học và công nghệ Giao thông vận tải chủ trì xây dựng và ban hành tiêu chuẩn cơ sở về sử dụng tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện đốt than trong thi công móng mặt đường giao thông nông thôn.

Riêng đối với các công trình giao thông, 2 năm trở lại đây, giá vật liệu xây dựng, nhất là giá cát liên tục tăng vọt, “nhảy múa” khiến nhiều công trình lâm vào thế khó. Trước tình hình trên, nhiều doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng đã chọn tro xỉ để làm vật liệu xây dựng, san lấp.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ Xây dựng đã xây dựng và ban hành hoặc chuyển cho cơ quan có thẩm quyền ban hành về cơ bản đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng; bao gồm 19 Tiêu chuẩn, 01 Quy chuẩn và 7 Chỉ dẫn kỹ thuật, 03 định mức kinh tế kỹ thuật.

Bộ Xây dựng đang tiếp tục giao Viện Vật liệu xây dựng hoàn thiện tiêu chuẩn quốc gia TCVN về "Xỉ phốt pho cho sản xuất xi măng và bê tông" (dự kiến sẽ hoàn thiện và ban hành trong năm 2022).

Theo số liệu tổng hợp từ các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và các nhà máy nhiệt điện khác, hiện cả nước có 29 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động. Trong năm 2021 tổng lượng tro, xỉ phát thải từ các nhà máy nhiệt điện trên cả nước khoảng hơn 16 triệu tấn. Lượng phát thải tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc (chiếm 64%), miền Trung (chiếm 25%) và miền Nam (chiếm 11%) tổng lượng thải.

Tính đến cuối năm 2021, tổng lượng tro, xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ cộng dồn qua các năm trên cả nước khoảng 48,4 triệu tấn, chiếm khoảng 48% tổng lượng phát thải từ trước tới nay (tăng hơn 7% so với thời điểm cuối năm 2020).

Tro, xỉ được sử dụng nhiều nhất là lĩnh vực như san lấp, làm phụ gia khoáng cho xi măng, sau đó là dùng làm phụ gia bê tông cho các công trình thủy lợi, công trình giao thông (đường bê tông xi măng vùng nông thôn) và công trình xây dựng dân dụng (kết cấu móng khối lớn ít tỏa nhiệt), ngoài ra tro, xỉ cũng được dùng để thay thế một phần nguyên liệu sản xuất gạch xây (nung và không nung).

Mặc dù có những bước tiến, nhưng đến nay, tro, xỉ thải tại các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón đang thực sự là vấn đề lớn của nhiều địa phương, gây ra những hệ lụy lớn về môi trường khiến nhiều người dân bức xúc.

Link gốc


Theo vneconomy.vn

Share