Vận hành hệ thống điện mùa nắng nóng 2019: Không tiết giảm nhu cầu phụ tải

15:33, 02/06/2019

Đó là khẳng định của ông Vũ Xuân Khu - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), khi trao đổi với PV về những khó khăn, thách thức trong vận hành hệ thống điện - thị trường điện mùa nắng nóng 2019.

Ông Vũ Xuân Khu

PV: Ông có thể thông tin khái quát về những khó khăn trong vận hành hệ thống điện mùa nắng nóng 2019?

Ông Vũ Xuân Khu: Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, 2019 sẽ là một năm rất nắng nóng. Từ tháng 5-10/2019, nhiệt độ trung bình cả nước cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 đến 1 độ C. Nắng nóng khiến nhu cầu tiêu thụ điện trên phạm vi cả nước tăng cao. Trong khi đó, nguồn cung điện dự phòng thấp, hoặc thậm chí không có dự phòng trong thời gian nắng nóng đỉnh điểm ở miền Bắc sắp tới. 

Nhiều thời điểm, tổng công suất khả dụng của các nguồn điện chỉ vừa đủ đáp ứng nhu cầu phụ tải; mực nước tại nhiều hồ thủy điện đã về mực nước chết, thậm chí có những hồ về dưới mực nước chết như Đăk R’Tih, Buôn Kuop, Srepok 3, An Khê, Sông Ba Hạ…; nhiều tổ máy sau thời gian dài vận hành đã đến thời kỳ sửa chữa, bảo dưỡng, nhưng vẫn phải tiếp tục hoạt động để đáp ứng nhu cầu hệ thống điện... 

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, có những thời điểm, một số tổ máy của các nhà máy nhiệt điện than lớn như Vũng Áng, Mông Dương 1, Thái Bình hoặc các nhà máy BOT (Mông Dương 2) không thể đáp ứng phương thức vận hành do thiếu than; khả năng cung cấp khí cho phát điện cũng không ổn định, xảy ra nhiều sự cố... Thực tế, từ giữa tháng 4 đến nay, hệ thống điện đã liên tục phải huy động các nguồn chạy dầu giá thành cao, đáp ứng nhu cầu phụ tải.

- Được biết, tới đây, điện mặt trời sẽ bổ sung gần 5.000 MW công suất cho hệ thống điện quốc gia. Điều này có giải quyết được phần nào “bài toán” cung - cầu điện năng cho miền Trung và miền Nam hay không, thưa ông? 

Việc các nguồn điện mặt trời đóng góp gần 5.000 MW là rất đáng quý trong điều kiện căng thẳng hiện nay. Tuy nhiên, sự phát triển nóng, tập trung tại một số khu vực nhất định cùng với tính bất định của điện mặt trời cũng gây không ít khó khăn cho việc vận hành hệ thống điện.

- Vậy giải pháp của A0 là gì, thưa ông?

Với sự chỉ đạo sát sao của EVN, sự hỗ trợ hiệu quả của các đơn vị liên quan, A0 đã chủ động triển khai các giải pháp, đảm bảo hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn, liên tục và hiệu quả. 

A0 đã phối hợp và tạo mọi điều kiện đưa các nguồn điện mới vào vận hành đúng tiến độ; phối hợp chặt với chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió, sớm đưa các công trình vào vận hành... Sử dụng tiết kiệm nước, các hồ thủy điện giữ nước ở mức cao nhất có thể, đáp ứng nhu cầu cao điểm mùa khô. Tập trung bố trí các công việc sửa chữa nguồn điện, lưới điện ngay từ cuối năm 2018 và trong quý I/2019, đảm bảo từ quý II/2019 hệ thống điện có độ sẵn sàng cao nhất.

A0 cũng đã chủ động xây dựng phương án cung cấp điện cho ngày cực đoan, với kịch bản phụ tải điện tăng cao cùng lúc trên cả 3 miền, sẵn sàng ứng phó trong trường hợp nắng nóng kéo dài trên diện rộng... 

- Thưa ông, người dân lo ngại khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, liệu ngành Điện có phải tiết giảm điện để đảm bảo an toàn cho hệ thống? 

Thời gian qua, khi xảy ra nắng nóng trên diện rộng ở cả 3 miền, nhu cầu tiêu thụ điện trên cả nước tăng cao, liên tục xác lập các kỷ lục mới. Sản lượng điện cao nhất từ đầu năm đến hết tháng 4 đã đạt 746 triệu kWh, cao hơn so với ngày cực đoan của năm 2018 (ngày có sản lượng cao nhất) khoảng 21 triệu kWh. 
Mặc dù việc vận hành hệ thống điện gặp nhiều khó khăn, nhưng EVN nói chung, A0 nói riêng đã, đang và sẽ nỗ lực cân đối đủ nguồn, đáp ứng đủ điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân. 

- Xin cảm ơn ông! 


Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Thế giới điện

Share