Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, trung bình mỗi người Việt Nam đọc khoảng 4 cuốn sách một năm. Trong đó có 2,8 cuốn là sách giáo khoa, còn lại là sách khác. Tỷ lệ này thấp bậc nhất thế giới. Ví dụ, so sánh với Singapore, mỗi người dân đọc bình quân 14 cuốn sách/năm, người Nhật là 20 cuốn/năm. Tuy nhiên về tỷ lệ sử dụng internet, 70% người Việt thường xuyên truy cập, nằm trong nhóm cao nhất toàn cầu.
Theo các nhà xã hội học, sự gương mẫu của người lãnh đạo đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng văn hóa đọc ở doanh nghiệp. Lãnh đạo cần nhận thức được vai trò của văn hóa đọc đối với quá trình phát triển của tổ chức. Do vậy, lãnh đạo phải là tấm gương. Lãnh đạo nên thường xuyên đọc sách, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm từ sách cho nhân viên, góp phần lan tỏa thói quen đọc sách.
Lãnh đạo doanh nghiệp nên tạo môi trường thuận lợi cho nhân viên đọc sách. Ví dụ xây dựng thư viện trong công ty, cung cấp sách cho nhân viên, tổ chức sự kiện khuyến khích đọc sách.
Về phía nhân viên, cần hiểu lợi ích của đọc sách đối với sự phát triển của bản thân và tổ chức. Đọc sách hỗ trợ người lao động nâng cao kiến thức, kỹ năng, tư duy, sáng tạo, từ đó nâng cao hiệu quả công việc, và thăng tiến trong nghề nghiệp. Nhân viên nên xây dựng thói quen đọc sách, dành thời gian đọc sách mỗi ngày. Đọc sách có thể được thực hiện ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào, miễn phù hợp với công việc và cuộc sống từng người.
Tuy nhiên, có nhiều người không biết bắt đầu từ đâu để hình thành thói quen đọc sách. Lời khuyên là hãy đi vào nhà sách, ngó qua các tủ sách, như sách về kiến thức phổ thông, về lịch sử, địa lý, văn học… hay truyện tranh. Khi dừng lại ở tủ sách nào, thì rất có thể bạn phù hợp với loại sách đó. Hãy xem cuốn sách nào bạn hứng thú nhất.
Thuở bé gần như ai cũng thích nghe, thích xem truyện cổ tích. Theo một số nghiên cứu tại Nhật, phần lớn người dân nước này đọc sách văn học. Điều đó cho thấy sách văn học phù hợp với số đông. Những tác phẩm đã nổi tiếng được gợi ý như "Tiếng gọi nơi hoang dã", "Không gia đình", "Sông Đông êm đềm", "Thép đã tôi thế đấy"... Sách văn học giúp bạn lắng đọng cảm xúc, hiểu sâu hơn về con người và xã hội, thúc đẩy tính sáng tạo. Sách văn học rất dễ đọc do có cốt truyện hấp dẫn.
Những cuốn sách mới xuất bản gần đây, như "Muôn kiếp nhân sinh" đã được hàng ngàn người Việt Nam chào đón. Cuốn sách mang đến kiến thức về nhân sinh quan và thế giới quan, giúp bạn có cái nhìn rộng lớn hơn về cuộc đời, để sống thanh thản hơn, bình yên hơn và giàu lòng trắc ẩn hơn. Đây cũng là cuốn sách được gợi ý, nếu bạn chưa biết bắt đầu từ đâu.
Khi vượt qua giai đoạn đầu, để xây dựng thói quen đọc sách, bạn nên tham gia hoạt động khuyến khích đọc sách do doanh nghiệp tổ chức. Đó là cơ hội giao lưu, chia sẻ về sách và nâng cao hứng thú đọc sách.
Về phía tổ chức xã hội, như công đoàn hay đoàn thanh niên trong doanh nghiệp, cần thường xuyên tổ chức hoạt động khuyến khích đọc sách, như tổ chức tọa đàm, hội thảo về văn hóa đọc, tổ chức thi tìm hiểu sách, nói hoặc viết cảm nhận về cuốn sách yêu thích, tổ chức chương trình tặng sách cho nhân viên, tạo bảng xếp hạng nhân viên đọc nhiều sách nhất
Những hoạt động ấy góp phần nâng cao nhận thức của nhân viên về sách, từ đó thúc đẩy văn hóa đọc trong doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp có thể mua sách tặng nhân viên để khuyến khích họ đọc sách. Sách cũng có thể làm phần thưởng khi nhân viên đạt chỉ tiêu hoặc thực hiện tốt công việc nào đó. Doanh nghiệp có thể gắn kết văn hóa đọc với hoạt động khác, như tổ chức đào tạo, training hay tập huấn cho nhân viên. Ngày nay, nhiều doanh nghiệp còn lồng ghép nội dung về sách trong các hoạt động ngoại khóa.
Văn hóa đọc là một quá trình hình thành lâu dài, cần sự nỗ lực của cả doanh nghiệp và nhân viên. Bằng những hành động thiết thực, doanh nghiệp có thể góp phần phát triển văn hóa đọc, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy sự phát triển của tổ chức.
Link gốc
Theo doanhnhansaigon.vn
Share