Nắng nóng, hạn hán, thiếu nước cùng giá nhiên liệu đầu vào tăng mạnh, trong khi lượng điện tiêu thụ tăng rất cao, đã đặt ra nhiều thách thức trong đảm bảo cung cấp điện thời gian tới.
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nước tại các hồ thủy điện đang thấp hơn đáng kể so với trung bình nhiều năm. Trong 4 tháng đầu năm, lưu lượng nước về các hồ thủy điện ở phía Bắc chỉ bằng 60-70% trung bình nhiều năm, nhiều hồ thủy điện khu vực miền Trung và miền Nam cũng có lượng nước về kém. Đến đầu tháng 5, nhiều hồ thủy điện đã xuống mực nước thấp, có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh sản xuất và cung cấp điện trong thời gian tới.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cũng cho biết, hiện tượng El Nino sẽ xảy ra từ khoảng tháng 6 hoặc 7 và kéo dài đến đầu năm 2024, đi kèm nắng nóng, nền nhiệt độ tăng cao, trong khi lượng mưa giảm thấp so với trung bình nhiều năm. Nếu tình hình này xảy ra, lưu lượng nước về các hồ thủy điện sẽ còn giảm thấp trong các tháng tới.
Sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả sẽ góp phần không nhỏ trong duy trì hoạt động ổn định của hệ thống điện quốc gia
|
EVN tính toán, trong các tháng cao điểm nắng nóng của mùa hè năm 2023, có thể xảy ra tình huống cực đoan công suất cực đại ở miền Bắc tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm 2022 (những ngày nắng nóng kéo dài), khi đó hệ thống điện miền Bắc sẽ khó khăn về nguồn điện. Nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện và phục vụ nhu cầu dân sinh.
Trong bối cảnh đó, ứng phó với nguy cơ thiếu điện không chỉ là việc sử dụng điện hiệu quả mà cần chủ động trong thực hành tiết kiệm điện.
Nhằm thúc đẩy tiết kiệm điện và sử dụng điện hiệu quả trong mùa nắng nóng, EVN đã có văn bản gửi Bộ Công Thương cũng như các địa phương về việc tăng cường các biện pháp tiết kiệm điện.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trong cuộc họp mới đây cũng đã đặt ra yêu cầu tập trung mọi nỗ lực trong vận hành hệ thống điện, thực hiện tiết kiệm điện. Bằng mọi cách không để xảy ra thiếu điện, bằng mọi cách phải duy trì sự ổn định của hệ thống điện quốc gia.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhớ lại câu chuyện thời kỳ đầu tiên xây dựng đường dây 500kV mạch 1 để tải điện từ Bắc vào Nam. Thời điểm đó, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhắc đi nhắc lại rằng “miền Nam thiếu điện 1 giờ thì đất nước mất hàng trăm tỉ; thiếu điện 1 ngày mất hàng ngàn tỉ”. Thực tế, cách đây khoảng chục năm, chuyện cắt điện luân phiên đã diễn ra suốt mùa hè ở nhiều tỉnh.
Bối cảnh hiện nay, tiết kiệm điện là cực kỳ quan trọng, mang lại nhiều lợi ích thiết thục cho cá nhân và xã hội. Theo đó, tiết kiệm điện giúp giảm gánh nặng cho hệ thống điện quốc gia, tránh tình trạng quá tải hoặc mất điện.
Tiết kiệm điện cũng góp phần giúp bảo vệ tài nguyên tự nhiên, bảo vệ môi trường. Hầu hết điện năng được sản xuất bằng cách đốt cháy các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Khi sử dụng ít điện năng hơn, chúng ta cần khai thác ít tài nguyên hơn.
Tiết kiệm điện cũng đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững, bởi tiết kiệm điện là một phần quan trọng của cuộc cách mạng năng lượng sạch và bền vững. Bằng cách sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện, chúng ta khuyến khích việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và gió.
Đặc biệt, tiết kiệm điện giúp người dân, doanh nghiệp giảm hóa đơn tiền điện hàng tháng, nhất là trong bối cảnh giá điện vừa điều chỉnh tăng.
Không khó để hình thành thói quen tốt, hành động nhỏ sẽ mang lại hiệu quả lớn: Hãy tắt điện khi không cần, để khi cần sẽ có điện.
Để thực hành tiết kiệm điện, mỗi người, mỗi nhà hãy chung tay thực hiện:
- Sử dụng điều hòa ở nhiệt độ từ 27 độ C trở lên, kết hợp với quạt gió trong phòng làm việc
- Tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên, không sử dụng đèn chiếu sáng, điều hòa khu vực hành lang.
- Khi hết giờ làm việc hãy tắt toàn bộ các thiết bị dùng điện và không để trạng thái chờ
- Không sử dụng đèn chiếu sáng khu vực sân vườn, hàng rào, đèn trang trí vào buổi tối
- Không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn trong khung giờ cao điểm.
|
Link gốc
Theo congthuong.vn
Share